leftcenterrightdel
 Lễ hội Khinh khí cầu - một hoạt động rất thu hút người dân và du khách. Ảnh: LÊ ĐÌNH HOÀNG

Nhận diện điểm khó

Trong bức tranh kinh tế tổng thể quý I/2023, du lịch là một trong những lĩnh vực có nhiều điểm sáng với lượng khách ước đạt 633 nghìn lượt, gấp 2 lần so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế ước đạt 256 nghìn lượt, gấp 55 lần so với cùng kỳ. Tổng thu từ du lịch ước đạt 1.415 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ.

Mặc dù vậy, ở khối dịch vụ, 3 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu giảm 18,74% so với cùng kỳ. Các sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh “giảm” tập trung chủ yếu ở nhóm hàng xơ, sợi dệt các loại giảm 52%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm gần 84%. Kim ngạch nhập khẩu giảm 38,5% so cùng kỳ; sản phẩm nhập khẩu giảm chủ yếu tập trung nhóm hàng nguyên, phụ liệu dệt may giảm hơn 54% do nguồn đơn hàng xuất khẩu của các công ty may mặc sụt giảm mạnh. Công nghiệp khai khoáng ước giảm đến 12,67%; công nghiệp chế biến, chế tạo ước giảm 0,66%...

Các doanh nghiệp trên lĩnh vực công nghiệp, dệt may đang cảm nhận rõ sự khó khăn thời điểm này. Ông Nguyễn Tiến Hậu, Giám đốc điều hành Công ty CP Dệt may Huế cho rằng, không chỉ đơn vị này, khối ngành dệt may nói chung đang đối diện với nhiều thách thức trước biến động kinh tế của thế giới và trong nước, thị trường các sản phẩm xuất khẩu đang không được như kỳ vọng dẫn đến việc xuất khẩu các mặt hàng chủ lực bị sụt giảm đáng kể.

Trong một thống kê đáng chú ý khác từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 27/3/2023, tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới giảm 5,8% về lượng và giảm 19,8% về vốn so với cùng kỳ; số doanh nghiệp hoạt động trở lại cũng giảm 104 doanh nghiệp...

leftcenterrightdel
 Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính tham quan gian hàng sản phẩm đặc trưng của tỉnh

Tỉnh đang hướng đến mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, cùng với đó là các cơ chế đặc thù hỗ trợ tăng vốn đầu tư công như, chính sách thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế, chính sách phí tham quan di tích, chính sách nâng mức dư nợ vay, chính sách để lại tăng thu từ xuất, nhập khẩu, về sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà, đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý… Dù vậy, đến ngày 28/3/2023 tổng nguồn vốn đầu tư công năm 2023 của tỉnh giao hơn 6.628 tỷ đồng, nhưng tỷ lệ giải ngân chưa đạt như kỳ vọng.

Tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh quý I/2023, đánh giá về con số tăng trưởng, lãnh đạo Cục Thống kê tỉnh cho rằng, trong bối cảnh cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine khiến xu hướng mua sắm của người tiêu dùng trên thế giới giảm mạnh. Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứng trước nguy cơ bị gián đoạn, đứt gãy, dẫn tới nhiều hệ luỵ cho hoạt động xuất, nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế. Các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo giảm sản xuất, khó khăn trong việc xuất khẩu ra thị trường thế giới. Sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục giảm, cùng với đó, việc đưa các máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất; giá xăng, dầu liên tục biến động…

Phát triển trên 3 trụ cột

Thời gian qua, tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tranh thủ ý kiến các chuyên gia để tìm giải pháp gỡ khó cho phát triển kinh tế. Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân mong muốn tỉnh nâng cao các chỉ số phát triển công nghiệp và xuất, nhập khẩu. Ông Tân gợi mở các giải pháp liên quan đến công tác đầu tư cần theo hướng bền vững, kinh tế xanh, tận dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, nguyên liệu chất lượng cao. Ngoài ra, cơ chế phát triển các ngành ứng dụng công nghệ cao và dịch vụ logistics rất quan trọng trong thời điểm hiện nay.

Khu vực doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, do đó hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, ổn định sản xuất, kinh doanh là một trong những giải pháp cần được tỉnh đặc biệt quan tâm. Về phía doanh nghiệp, không có cách nào khác phải đa dạng hóa sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường. Đồng thời, hướng đến tăng giá trị gia tăng của sản phẩm…

leftcenterrightdel
 Các dự án trọng điểm triển khai đúng tiến độ sẽ tạo ra động lực phát triển kinh tế trong thời gian đến

Đối với các dự án đã triển khai, nhận diện khó khăn trong công tác giải ngân, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Quang Cường nêu giải pháp: “Chúng tôi thực hiện nhiều biện pháp để đẩy nhanh công tác thẩm định, trình phê duyệt dự án. Hiện, đã rút ngắn thời gian thẩm định dự án, thẩm định thiết kế kỹ thuật còn 2/3 thời gian theo quy định, tạo điều kiện tối đa giải quyết thủ tục cho các chủ đầu tư trong giải ngân vốn đầu tư công. Sở đã triển khai để sớm đưa vào vận hành phần mềm quản lý đầu tư công của tỉnh, tạo môi trường thuận lợi cho công tác phối hợp trong quản lý, giám sát đầu tư công; kịp thời nắm bắt tình hình thực hiện dự án, tiến độ giải ngân cũng như các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai để kịp thời tháo gỡ”.

Nói về hướng phát triển trong thời gian tới, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nêu 3 trụ cột chính, đó là: Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị thông minh, thuỷ lợi và phòng chống thiên tai; hoàn thiện kết cấu hạ tầng và chú trọng kêu gọi đầu tư vào khu kinh tế, khu công nghiệp, hệ thống xử lý nước thải, đầu tư thêm các cụm công nghiệp,… Phát huy các tiềm năng, lợi thế so sánh của di sản văn hóa, lịch sử đặc sắc, phong phú trọng tâm là Kinh thành Huế; cảnh quan tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên đa dạng với sông Hương, núi Ngự, đầm phá Tam Giang – Cầu Hai, rừng bảo tồn thiên nhiên... Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển.

“Tỉnh sẽ tiếp tục cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung hỗ trợ, duy trì, mở rộng sản xuất, kinh doanh nhằm phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, đầu tư phát triển du lịch, dịch vụ xứng tầm là ngành kinh tế mũi nhọn; cơ cấu lại ngành công nghiệp, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, có hàm lượng công nghệ cao. Hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật tại khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và thương hiệu nông sản…”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh.

Vừa qua, trong các chỉ số được công bố, đáng chú ý chỉ số PCI của tỉnh đứng thứ 6 toàn quốc. Điều này phần nào cho thấy cộng đồng doanh nghiệp đã ghi nhận những nỗ lực của tỉnh trong việc triển khai các giải pháp nhằm cải cách hành chính hiệu quả và môi trường kinh doanh ngày càng bình đẳng.

Nhằm xây dựng tỉnh trở thành vùng đất hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương khẳng định: “Định kỳ 6 tháng, tỉnh sẽ xây dựng, cập nhật danh mục các dự án thu hút đầu tư, ưu tiên kêu gọi đầu tư trong các lĩnh vực quan trọng. Tiến hành xác định diện tích, quy mô, hiện trạng, quy hoạch và các vấn đề liên quan để xây dựng cơ sở dữ liệu cho việc trình chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án trọng điểm. Tổ chức lập quy hoạch phân khu các khu vực có tiềm năng phát triển làm cơ sở kêu gọi đầu tư. Công bố công khai các đồ án quy hoạch phân khu trên địa bàn”.

Bài, ảnh: Lê Thọ