leftcenterrightdel
 Thượng úy Trần Văn Tình (ngoài cùng bên phải) luôn trách nhiệm với từng công việc được giao

Tình yêu đối với màu áo lính

Trò chuyện với chúng tôi, Trung tá Tạ Văn Tú (sinh năm 1981, TP. Huế), Trưởng ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh luôn tự hào vì được sinh ra trong gia đình cách mạng. Anh là con trai của cựu chiến binh Tạ Xuân Hồng (sinh năm 1939), chiến sĩ quân y Trung đoàn 6, từng vào sinh ra tử cùng đồng đội trong những trận đánh để giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế.

Tuy sinh ra trong thời bình, nhưng Trung tá Tạ Văn Tú thường được nghe cha kể về những trận đánh, những kỷ niệm của một thời đạn bom. Cha anh vẫn hay nhắc nhở, các con sinh ra khi đất nước đã thống nhất, để có được ngày độc lập, biết bao thế hệ cha ông đã phải ngã xuống, các con hãy nhớ phải sống sao cho xứng đáng.

Tình yêu đối với màu áo lính, với cách mạng cứ thế lớn dần cùng anh. “Con sẽ trở thành một người lính”, đó là lời khẳng định, là động lực để anh luôn cố gắng học tập, phấn đấu trong thời gian ngồi trên ghế nhà trường.

Yêu màu áo lính, biết ơn sự truyền lửa từ người cha, Trung tá Tạ Văn Tú luôn nỗ lực học tập, rèn luyện. Năm 2001, chàng trai trẻ đã mang trên mình nhiệt huyết, sự kiên trung đối với cách mạng để tiếp nối truyền thống của gia đình khi tham gia nghĩa vụ quân sự tại Trung đoàn 176 (Trước đây thuộc Bộ CHQS tỉnh, nay là Sư đoàn 968, Quân khu 4).

Với sự nỗ lực không ngừng, sau thời gian thực hiện nghĩa vụ anh đã chính thức được phục vụ lâu dài trong quân đội. Sau đó, anh thi đậu và tốt nghiệp Trường Sĩ quan Chính trị và được phân công về công tác tại Bộ CHQS tỉnh.

Chính niềm tự hào về truyền thống cách mạng của gia đình, quê hương, những câu chuyện về một thời chiến đấu ác liệt và sự nghiêm khắc, kỷ luật trong cách dạy con của cha anh đã ảnh hưởng khá nhiều đến tính cách của anh. Trong công việc, anh được đánh giá là người quyết đoán, thẳng thắn, luôn hoàn thành nhiệm vụ do cấp trên giao phó và được cấp dưới kính trọng.

Với nhiệm vụ Trưởng ban Tuyên huấn, lượng công việc nhiều, không chỉ làm trong giờ mà anh còn tranh thủ những giờ nghỉ, ngày nghỉ để hoàn thành công việc, với anh trong công việc chỉ có hết việc chứ không hết giờ. Luôn áp lực trong công việc, nhưng khi tiếp xúc với anh, ai cũng cảm nhận được sự gần gũi, khiêm tốn trong quan hệ với đồng chí, đồng đội.

Trải qua quá trình rèn luyện và học tập, công tác ở nhiều vị trí khác nhau nhưng Trung tá Tạ Văn Tú vẫn luôn cho rằng bản thân cần tu dưỡng, phấn đấu nhiều hơn nữa.

Những ngày này, khi cả dân tộc hân hoan chào mừng kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cha anh dù tuổi đã cao nhưng vẫn luôn lật từng kỷ vật, ôn lại từng kỷ niệm cho con, cháu cùng nghe. Điều ấy khiến anh vô cùng xúc động và không giấu được niềm tự hào. “Là người con của lính, là người lính, tôi thấy mình phải cố gắng gấp bội, tu rèn phẩm chất để tiếp nối truyền thống cha anh, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, góp sức nhỏ bé của mình cùng đơn vị, lực lượng vũ trang tỉnh xây dựng nền quốc phòng địa phương vững mạnh”, Trung tá Tạ Văn Tú bộc bạch.

Huế là quê hương thứ hai

Dù không sinh ra ở Thừa Thiên Huế, nhưng Huế là nơi Thượng úy Trần Văn Tình (sinh năm 1981, quê Quảng Bình), Phòng Hậu cần, Bộ CHQS tỉnh sinh sống, gắn bó. Thừa Thiên Huế là nơi cha, mẹ anh, những người cựu chiến binh đã từng sống, chiến đấu trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, cam go nhất.

Cha anh là cựu chiến binh Trần Văn Minh (sinh năm 1948, quê Quảng Bình), Sư đoàn 473, Đoàn 559. Sau khi tham gia giải phóng Huế cùng đồng đội, cựu chiến binh Trần Văn Minh cùng đơn vị được lệnh tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam. Nhưng trên đường hành quân thì nghe tin miền Nam đã được giải phóng, quân địch đã đầu hàng và rút chạy nên đơn vị ông được lệnh rút quân, trở về lại Huế.

“Ui chao, khoảnh khắc khi được cấp trên báo tin chiến thắng, không cần phải đánh giặc nữa, chúng tôi ôm nhau hò reo, vui mừng, niềm vui đó, thời khắc đó, tôi không bao giờ quên”, mặc dù đó chỉ là lời chia sẻ qua điện thoại khi Thượng úy Trần Văn Tình gọi về cho cha ở quê, nhưng trong những câu nói chúng tôi vẫn cảm thấy được sự bồi hồi, xúc động trước một kỷ niệm đặc biệt, mặc dù thời gian đã trôi qua 48 năm.

Còn mẹ anh là cựu thanh niên xung phong Nguyễn Thị Hòe, sinh năm 1950, từng tham gia chiến dịch 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị.

Một thời gian sau khi đất nước thống nhất, do mang trên mình nhiều di chứng chiến tranh, cả cha và mẹ anh đều là thương, bệnh binh nên ông bà đã nghỉ hưu sớm và trở về quê sinh sống.

 Sau khi tốt nghiệp THPT, anh Trần Văn Tình tham gia các hoạt động ở địa phương, dự định sẽ học đại học và  làm việc tại quê hương. Nhưng chính những câu chuyện của cha, mẹ về một thời bom đạn, niềm tự hào khi là con của một chiến sĩ bộ đội Trường Sơn, năm 2003 anh xung phong lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự, nhập ngũ tại Sư đoàn 324. Nhập ngũ ở đơn vị chủ lực, cường độ huấn luyện cao, khắc nghiệt nhưng những khó khăn đó chẳng thể nào làm chùn bước chàng thanh niên mang trong mình dòng máu cách mạng của cả cha và mẹ. Với những kết quả cao trong quá trình huấn luyện, sau thời gian nghĩa vụ, anh được cử đi học và phục vụ lâu dài trong quân đội. Năm 2006, anh được chuyển vào Huế công tác.

Công tác xa gia đình, nhưng xác định rõ lập trường, tư tưởng, bất cứ nhiệm vụ nào anh cũng nhận và hoàn thành.

“Gần 20 năm sống và công tác ở Huế, tôi thực sự xem Huế là quê hương thứ hai của mình. Là một người lính, đơn vị chính là nhà, nơi đóng quân chính là quê hương, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành. Đó là những lời cha, mẹ tôi thường hay nhắc nhở con cái. Những lúc khó khăn, nản lòng, chính truyền thống cách mạng của gia đình là động lực để tôi tiếp tục phấn đấu, cố gắng. Truyền thống gia đình cũng chính là “thước đo” là “cái gương” để tôi soi vào, tự tu sửa bản thân và cố gắng hơn mỗi ngày”, Thượng úy Trần Văn Tình chia sẻ.

Còn rất nhiều người sinh ra trong những “cái nôi cách mạng”, hay sinh ra vào đúng thời điểm đất nước được giải phóng và đã có những thành công, đóng góp nhất định cho xã hội. Với bất cứ cương vị nào, khi đã khoác trên mình màu áo lính, tiếp bước truyền thống cha ông, truyền thống anh hùng dân tộc, họ đều luôn nỗ lực hết mình để xứng đáng với truyền thống và sự hy sinh của thế hệ đi trước. Họ chính là thế hệ kế tiếp, thế hệ xây dựng một nền quốc phòng vững mạnh, mang lại sự bình yên cho quê hương.

Bài, ảnh: Thanh Thảo