leftcenterrightdel
 Ðề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943

Trong chiến lược cách mạng giải phóng dân tộc, khi đất nước trong thời kỳ hậu phong kiến và nạn ngoại xâm, vấn đề bản sắc văn hóa dân tộc trong Đề cương được xác định nhất quán, trở thành nền tảng định hướng tư tưởng quan trọng xuyên suốt cho đến nay. Ngoài nhận diện diễn trình lịch sử, những giá trị đặc trưng và nguy cơ phải đối diện trong bối cảnh đất nước - thế giới đương thời, có thể thấy hiện nay, tinh thần đó của Đề cương vẫn mang tính thời sự sâu sắc, đặc biệt là nhu cầu cập nhật và hiện thực hóa nhìn từ vấn đề bản sắc văn hóa dân tộc. Tất cả sẽ giúp tái khẳng định, kịp thời bổ sung, cập nhật, làm tăng giá trị khoa học và thực tiễn của Đề cương trong bối cảnh mới của quốc gia, dân tộc mà Đảng và Nhà nước ta đang chủ trương, như tinh thần Nghị quyết TW 5, Nghị quyết 33, Hội nghị Văn hóa toàn quốc...

Đất nước bị ngoại xâm, nhu cầu khẳng định yếu tố bản sắc văn hóa dân tộc càng được đặt ra cấp thiết, nên từ ngày thành lập, Đảng luôn lấy đó làm nền tảng xác định mục tiêu giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước độc lập, tự do, dân chủ và phồn vinh. Từ đầu năm 1943, khi cảnh đất nước ở thời hậu phong kiến, bị ách ngoại xâm thường trực là Pháp (xu hướng Âu hóa) và Nhật (tư tưởng Đại Đông Á), vấn đề khởi nghĩa giành chính quyền đã được Trung ương Đảng thống nhất hoạch định. Từ sau cuộc họp có ý nghĩa quyết định từ ngày 25-28/2/1943 của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Trường Chinh đã soạn thảo Đề cương về văn hóa Việt Nam.

Từ Cách đặt vấn đề, là một giới thuyết rất quan trọng, nhấn mạnh phạm vi vấn đề văn hóa bao gồm cả tư tưởng, học thuật và nghệ thuật. Luận điểm mang nhiều giá trị khoa học và thời sự sâu sắc, định vị vấn đề văn hóa bao gồm tư tưởng, tầm vóc văn hóa, di sản văn hóa và các hoạt động văn hóa. Văn hóa dưới góc độ tư tưởng và di sản, là mạch nguồn xuyên suốt chi phối mọi khía cạnh tư tưởng trong đời sống xã hội, làm nên hồn cốt con người, vùng đất và cả xã hội, gắn liền hệ chuẩn mực giá trị (luân lý, pháp lý) phù hợp qua từng thời kỳ, bối cảnh. Còn về mặt quản lý, hay trên phương diện hành chính, có thể định vị hệ thống di sản văn hóa theo những tiêu chí đặc thù để đánh giá, xếp hạng công nhận, trở lại phục vụ tốt hơn cho việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Nhà nước cũng phân định các lĩnh vực hoạt động văn hóa nghệ thuật để quản lý, như các hoạt động điện ảnh, thư viện, nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật tạo hình, văn hóa thông tin cơ sở, bảo tàng... Từ đây, cần chú trọng hài hòa sứ mệnh cao cả xuyên suốt của văn hóa tư tưởng để chi phối, điều tiết xã hội thông qua hệ chuẩn mực giá trị được định hình, thẩm thấu qua thời gian, coi trọng đời sống văn hóa tư tưởng lẫn chú trọng các hoạt động văn hóa cụ thể. Ngành văn hóa là cơ quan quản lý Nhà nước về các hoạt động văn hóa, cần chú trọng đời sống văn hóa tư tưởng, tránh xu hướng cực đoan chỉ tập trung hoạt động sự vụ, bề nổi, phong trào...

Từ sứ mệnh mạch nguồn, vấn đề bản sắc văn hóa dân tộc càng được chú trọng cấp thiết. Đề cương đã khẳng định mối quan hệ hữu cơ giữa văn hóa và kinh tế, chính trị. Văn hóa là một trong ba mặt trận chính yếu (kinh tế, chính trị, văn hóa), không chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa. Có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, tuyên truyền mới có hiệu quả.

Đặc biệt, Đề cương cũng đã khẳng định ba nguyên tắc vận động của cách mạng văn hóa Việt Nam là Dân tộc hóa để chống lại mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa, giúp cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập; Đại chúng hóa để chống lại mọi chủ trương, hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng, hoặc xa rời đông đảo quần chúng nhân dân và Khoa học hóa để chống lại tất cả những cái gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ.

Từ đây, bản Đề cương cũng khẳng định định hướng, muốn hiện thực hóa ba nguyên tắc trên thì phải kịch liệt chống lại những xu hướng văn hóa bảo thủ, chiết trung, lập dị, bi quan, thần bí, duy tâm... nhưng đồng thời cũng phải chống xu hướng văn hóa vọng ngoại quá trớn.

Rõ ràng ở đây, bản Đề cương đã khẳng định, nhấn mạnh vai trò đặc biệt của quần chúng nhân dân với tư cách là chủ thể sáng tạo và nuôi dưỡng, trao truyền văn hóa. Di sản văn hóa và truyền thống văn hóa luôn được tạo lập, gìn giữ và phát huy giá trị qua thời gian, kết tinh tổng hòa hệ giá trị khoa học, luân lý và pháp lý để đưa văn hóa Việt Nam vươn lên cùng thời đại. Do vậy, vấn đề bản sắc văn hóa và bản lĩnh quốc gia dân tộc trở nên đặc biệt quan trọng trong việc kiến tạo, làm nên hồn cốt Tổ quốc, nhưng cũng phải rất tỉnh táo để tránh xu hướng cực đoan: tính bảo thủ khép kín cứng nhắc đến mức không tiếp nhận yếu tố mới, hệ giá trị tinh hoa của nhân loại từ bên ngoài, và cả tính cởi mở, dễ dãi quá đáng theo lối “vọng ngoại” có nguy cơ làm tha hóa, biến chất, làm mất đi hệ giá trị bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo, đặc trưng.

Những nội dung nêu trên càng đặc biệt ý nghĩa khi tiếp cận vấn đề bản sắc văn hóa. Chặng đường dài 80 năm (1943 - 2023) của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng cho thấy nhiều thông điệp mang tính dự báo của Đề cương cũng như còn chỉ ra nhu cầu cấp thiết trong việc hiện thực hóa những nội dung trọng tâm, cập nhật những vấn đề mới cho phù hợp với thời đại. Trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, với sự bổ trợ đắc lực của các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại, vấn đề bản sắc văn hóa dân tộc càng được đặt ra bức thiết để nhận diện, định vị rõ nét dấu ấn cá nhân, bản sắc - bản lĩnh văn hóa vùng miền và quốc gia dân tộc.

Văn hóa trong xã hội hiện đại trở thành giềng mối căn bản để hữu hiệu định hướng xã hội, tiếp tục gạn đục khơi trong, đủ năng lực và bản lĩnh để chế ngự những tác động tiêu cực và chủ động tiếp nhận, thích ứng tốt hệ giá trị tinh hoa của nhân loại. Ngoại lực tác động cũng là cơ hội cần thiết để củng cố nội lực, để thích ứng tối ưu nhằm bảo toàn bản sắc văn hóa nhờ vào động năng văn hóa, nguồn nuôi dưỡng văn hóa. Vì vậy, việc đầu tư các nguồn lực cho văn hóa để bảo toàn động năng văn hóa, thực sự trở thành nguồn nuôi dưỡng văn hóa là vấn đề chiến lược, đặc biệt quan trọng, cần được chú trọng đầu tư hữu hiệu, hợp lý. Từ đây, càng thấy rõ nhu cầu cấp bách của việc cập nhật và hiện thực hóa vấn đề bản sắc văn hóa dân tộc từ Đề cương về văn hóa năm 1943 trong bối cảnh hiện đại hóa và toàn cầu hóa đầu thế kỷ XXI.

Bài: TS. Trần Đình Hằng - Ảnh: Tư liệu