leftcenterrightdel
Sản phẩm được trưng bày tại "Không gian triển lãm Thiết kế sáng tạo thủ công"

Tham dự, có ông Phan Thiên Định, UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Huế, đại diện các ban ngành liên quan và các diễn giả đến từ các doanh nghiệp, làng nghề có các sản phẩm thủ công sáng tạo độc đáo trên cả nước.

Sáng tạo tinh hoa từ những nếp thường nhật

Với các chủ đề khác nhau, các diễn giả tham gia hội thảo cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm truyền cảm hứng về sự sáng tạo đột phá, nhằm tạo tác ra những sản phẩm thủ công mang tính đương đại, có tính ứng dụng cao, dựa trên gốc rễ là các nghề thủ công truyền thống.

Điển hình, với chủ đề “Con diều và sợi dây”, họa sĩ Phan Hải Bằng, đến từ Trúc chỉ Garden đã mang đến cho các khách mời tham dự hội thảo có cơ hội hiểu thêm những giá trị độc đáo về trúc chỉ nhờ sự sáng tạo. Họa sĩ Hải Bằng phân tích, trúc chỉ, hiểu nôm na là giấy làm từ tre. Nhưng trúc chỉ của ông không chỉ dừng lại ở đó, mà đó là nghệ thuật đồ hoạ, không phải chất liệu. Giấy trong nghệ thuật của ông được khai thác hầu hết các nguyên liệu xơ sợi sẵn có từ rơm, tre, mía, chuối, bèo, bắp, dứa, dâu, lá, cỏ… Ông cho biết: “Trúc chỉ hoàn toàn có thể là một tác phẩm nghệ thuật tự thân mang đậm ngôn ngữ đồ họa; mặt khác, trúc chỉ cũng sẵn sàng “đối thoại” với những tín hiệu tạo hình được đặt tiếp lên trên nó. Bên cạnh đó, Trúc chỉ cũng hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu đa dạng và đặc biệt của nghệ thuật ứng dụng ở các loại hình như thiết kế sản phẩm, nội ngoại thất, trang phục, thời trang, trang sức… Đặc biệt là kết hợp với các làng nghề thủ công truyền thống để cho ra đời những nghệ phẩm độc đáo”.

leftcenterrightdel
 Sản phẩm thiết kế sáng tạo thủ công thu hút nhiều người dân tham quan

Bằng tình yêu gốm chảy bỏng, bà Nguyễn Thu Thủy, giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội đã chia sẻ bí quyết sáng tạo tinh hoa từ những nếp thường nhật. Bà chia sẻ, bà  vốn là hoạ sỹ đồ hoạ. Theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu và đào tạo ngành du lịch, nhưng con đường nghệ thuật của bà ngày càng thăng hoa với gốm, tranh và lụa. Những sản phẩm độc đáo của bà đều được tạo nên từ những nếp nghĩ rất đời thường. Chẳng hạn, vẫn là men gốm truyền thống của Bát Tràng, nhưng với kỹ thuật riêng có, bà có thể đặt nhiều loại men cạnh nhau trên cùng một tác phẩm, chẳng hạn men chảy, men bóng đứng cạnh men khô, men rạn. Tạo hình gốm cũng nhiều nét tinh nghịch, vui tươi như một cách chị chia sẻ niềm vui, năng lượng tích cực của mình. “Tôi thích tưởng tượng ra nụ cười của mọi người khi ngắm tác phẩm của mình, cảm giác ấy thực sự thú vị và truyền cảm hứng sáng tác cho người nghệ sĩ”, bà chia sẻ.

Cũng nhờ sự sáng tạo, bà Phan Ngọc Hiếu, Founder & CEO Maypaperflower cũng mang lại cho hội thảo sự trân quý. Tuổi đời còn trẻ nhưng Phan Ngọc Hiếu đã thành công khi đưa sản phẩm hoa giấy hoa giấy Thanh Tiên vào dòng chảy đương đại. Chia sẻ tại hội thảo, Phan Ngọc Hiếu cho biết, tất cả các sản phẩm của bà đều được lấy cảm hứng từ làng nghề truyền thống hoa giấy Thanh Tiên với hơn 400 năm gìn giữ ở Huế. Trên cơ sở đó, bà kế thừa và có nhiều thay đổi trong thiết kế, kết hợp hoa giấy thủ công với nghệ thuật đương đại nhằm tạo ra những sản phẩm trang trí ấn tượng.

Ngoài ra, hội thảo còn nhiều chia sẻ về cảm hứng thiết kế, sáng tạo từ nghề thủ công cũng được chia sẻ, như chủ đề “Truyền thống và phát triển” của nghệ nhân Đỗ Hữu Triết, đến từ Pháp Lam Huế; “Thiết kế dưới góc nhìn kinh doanh” của Nguyễn Toàn, Founder & CEO, Maztermind; “Ước mơ tái hiện di sản bằng nghệ thuật BOARC” của  KTS Hoàng Tuấn Long, hay  “Lưu giữ nét đẹp xưa và nay trong từng sản phẩm Đậu Bạc” của bà Nguyễn Hồng Hạnh, Founder Sen Bạc Co., Ltd

Mỗi người một góc nhìn, một quan điểm về phát triển sáng tạo khác nhau nhưng tựu trung lại họ đều có tâm huyết là muốn phát triển nghề truyền thống.

leftcenterrightdel
Tác phẩm "Ruộng bậc thang" của nghệ nhân Nguyễn Thu Thủy 

Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Le Group of Companies (Tập đoàn Truyền thông Lê), Tổng đạo diễn Festival nghề truyền thống Huế 2023  khẳng định, nghề truyền thống là một phần trong kinh tế sáng tạo, với sức sáng tạo của con người sẽ đưa những sản phẩm truyền thống mang lại giá trị gia tăng và nó là động lực để phát triển kinh tế. “Tôi nghĩ rằng nghề truyền thống sẽ có đất sống, có cơ hội phát triển mạnh nếu những nghệ nhân có tư duy mở, tiếp cận được nhu cầu mới của cuộc sống của con người không chỉ trong nước mà cả quốc tế. “Sản phẩm thủ công không chỉ là sản phẩm du lịch mà  phải là sản phẩm có tính thương mại, mang lại giá trị kinh tế”, ông Vinh khẳng định.

Lan tỏa để bảo tồn tốt hơn nghề truyền thống

Theo ông Lê Quốc Vinh, hội thảo “Sáng tạo để bảo tồn nghề truyền thống” là bước đệm quan trọng, tạo tiền đề để các doanh nghiệp triển khai nhiều chương trình kết nối, hỗ trợ khơi dậy tinh thần sáng tạo trong quá trình bảo tồn và xây dựng nghề thủ công truyền thống  cho Huế nói riêng và cả nước nói chung.  

Phát biểu tại diễn đàn, ông Phan Thiên Định, Bí thư Thành ủy Huế cho biết, không gian sáng tạo trên nền các giá trị nghề thủ công truyền thống được mong đợi và ấp ủ từ lâu, nhưng đến Festival Nghề Truyền thống Huế năm nay mới thực hiện được. Theo ông Phan Thiên Định, sáng tạo trên nền các giá trị nghề thủ công truyền thống là cách duy nhất để bảo tồn và phát triển nghề truyền thống. “Nếu truyền thống không sáng tạo để ứng dụng vào cuộc mà chỉ dừng lại ở những sản phẩm cũ như một mặt hàng lưu niệm thì sẽ bị mai một, con cháu của các thế hệ nghệ nhân sẽ không có động lực tiếp nối con đường cha ông họ để lại”, ông Định chia sẻ.  

leftcenterrightdel
Nghệ nhân Nguyễn Thu Thủy chia sẻ tại hội thảo 
Theo ông Phan Thiên Định, hội thảo là điểm nhấn quan trọng và lần đầu tiên được tổ chức trong Festival Nghề truyền thống Huế. Những nội dung, kinh nghiệm được chia sẻ tại hội thảo, thành phố sẽ làm tư liệu tuyên truyền, tạo cảm hứng cho các nghệ nhân, làng nghề và chính quyền cơ sở có các làng nghề truyền thống. Đồng thời, cũng được thành phố xem là tài liệu quan trọng sử dụng trong quá trình đào tạo, tập huấn cán bộ chú chốt trong quá trình xây dựng và phát triển TP. Huế.
Bài, ảnh: HẢI THUẬN