leftcenterrightdel
Có những khoản vay không phải ở vài mươi % mà lên đến cả vài trăm % (Ảnh minh họa) 

Doanh nghiệp (DN) đi vay lãi suất chừng 10%/năm họ đã kêu trời. Thế mà có những món vay, người vay phải trả lãi suất lên đến 25-30%/ năm. Chỉ hình dung như thế, chúng ta thấy cái sự tiêu tiền của người đi vay đắt đỏ và rủi ro đến chừng nào. Thế nhưng không dừng lại ở đó, trong quan hệ tài chính của xã hội, có những khoản vay không phải ở vài mươi % mà lên đến cả vài trăm %. Tất nhiên đây được coi là những mối quan hệ tài chính không chính thống, tức là không được pháp luật cho phép. Ở đây chúng ta chỉ nói về quan hệ tài chính chính thống, tức là được luật pháp cho phép.

Lãi suất như thế là cao nhưng không vi phạm luật, tức là được luật pháp cho phép. Đây là quan hệ dân sự. Suy cho cùng không ai ép buộc ai. Đó là sự lựa chọn của mỗi bên trong mối quan hệ tài chính. Bên cho vay có cái lý của họ, lãi suất cao là vì rủi ro cao. Còn bên đi vay, có lẽ ở vào thế bí vì cần tiền nên chấp nhận mức lãi suất cao như vậy.

 Một khi ngân hàng, kênh cho vay chính không “đảm đương” hết mọi đối tượng cần vay thì các công ty tài chính đảm đương công việc này.  Xem ra, trong nhiều quan hệ xã hội, lĩnh vực nào cũng có những bất công nhất định. Lĩnh vực tài chính cũng vậy. Ấy là người nghèo, người không đủ những điều kiện quan hệ tài chính với ngân hàng, khi muốn vay thì phải chấp nhận trả một mức lãi suất từ cao đến rất cao cho bên cho vay như các công ty tài chính. Còn trong mối quan hệ tín dụng mà chúng ta thường gọi là tín dụng đen, tức là không được luật pháp cho phép thì mức lãi suất còn cao vời vợi hơn nữa.

Dưới góc nhìn tích cực, các công ty tài chính đã đáp ứng được một phần của nhu cầu xã hội. Nhưng nhìn ở khía cạnh tiêu cực, với mức lãi suất cao như vậy có thể sẽ phát sinh nhiều vấn đề xã hội ngoài vấn đề tài chính. Nói chung, người nghèo là người yếu thế trong mối quan hệ này. Đã nghèo thì khi nào cũng cần tiền. Muốn có tiền thì phải chấp nhận trả lãi suất cao. Trả lãi suất cao thì đồng tiền sử dụng thực ít lại. Thế là, đã nghèo còn nghèo thêm. Một khi không trả được nợ thì rất nhiều tình huống phức tạp sẽ xảy ra mà chúng ta không thể biết hết được.

Theo Ngân hàng Nhà nước, 16 công ty tài chính đang hoạt động theo luật đến cuối năm 2022 lượng cho vay tiêu dùng chiếm 6% trong tổng dư nợ. Con số tuyệt đối được dẫn ra là khoảng 200.000 tỷ đồng. So sánh với lãi suất ngân hàng, người vay ở các công ty tài chính phải trả gấp từ 2,5 - 3 lần. Ví dụ vay ngân hàng chỉ trả 10 triệu đồng thì cũng với món vay ấy ở các công ty tài chính, người vay phải trả đến 25-30 triệu đồng. Không biết những ai vay trong 200.000 tỷ đồng nói trên trả được nợ và không trả được nợ, chỉ biết rằng trong hoạt động cho vay, nhiều công ty tài chính thu lợi đậm. Có con số thống kê cho biết, năm 2022 có công ty tài chính lợi nhuận trước thuế đến hơn 1.150 tỷ đồng. Có công ty tăng trưởng tín dụng đến hơn 60%.

Xem ra, lãi suất cao thấp tính sau!? Nhằm lúc có nhu cầu vay vốn lại gặp nơi “mở lòng” với những điều kiện dễ thở hơn ngân hàng thì vay cái đã. Chính vì vậy, thị trường này vẫn hết sức sôi động. Trong tình cảnh có nhiều khó khăn của nền kinh tế, lao động và việc làm có nhiều biến động, có thể tổng dư nợ của các công ty tài chính sẽ không dừng lại ở con số 200.000 tỷ đồng, hoặc chiếm 6% trong tổng dư nợ tiêu dùng nữa mà có thể còn cao hơn trong những năm tới.

Bài: NGUYÊN LÊ - Ảnh: ANH PHƯỚC