Sự phát triển nhanh chóng của ngành thời trang nhanh đang kéo theo nhiều tác động xấu cho môi trường |
Với tốc độ phát triển hiện nay, công nghiệp thời trang đang được xem là ngành gây ô nhiễm lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt. Nó chiếm 10% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu do sử dụng nhiều năng lượng, tài nguyên trong sản xuất và vận chuyển, song song với lượng rác thải, chất thải xả ra môi trường trong quá trình sản xuất.
Đặc biệt, thời trang nhanh (fast fashion) đã thống trị và định hình lại ngành thời trang thế giới kể từ thập niên 1990. Thuật ngữ “thời trang nhanh” đề cập những loại hàng may mặc giá rẻ được sản xuất hàng loạt và người tiêu dùng có thể chỉ mặc một thời gian ngắn rồi bỏ đi. Ước tính mỗi năm, có khoảng 100 tỷ sản phẩm may mặc được mua bán trên toàn cầu và khoảng 92 triệu tấn quần áo bị vứt bỏ, gây ra lượng rác thải khổng lồ, tạo thêm gánh nặng cho hành tinh.
Trong khi đó, báo cáo của Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) cho thấy, các loại sợi dùng trong ngành dệt may đang gây ra những tác động đến môi trường. Việc sản xuất các sợi tổng hợp được sử dụng chủ yếu trong ngành thời trang nhanh như polyester, nylon và acrylic là một quy trình tiêu tốn nhiều năng lượng như dầu mỏ và thải ra nhiều khí CO2. Hơn nữa, những loại vải này phân hủy thành vi nhựa, gây ô nhiễm đại dương và gây ra mối đe dọa đối với sinh vật và hệ sinh thái biển.
Với thực trạng đó, các nhà bảo vệ môi trường đang ủng hộ việc chuyển đổi từ thời trang nhanh sang chuỗi cung ứng có trách nhiệm với môi trường và xã hội hơn, trong đó bao gồm việc tìm kiếm các giải pháp sáng tạo cho vấn nạn này.
Các giải pháp sáng tạo
Tại công ty tái chế Helpy (Mỹ), các nhân viên sẽ phân loại một số hàng dệt may theo thương hiệu và tình trạng trước khi chúng được bán lại, trong khi một số khác được đóng gói và gửi trực tiếp đến các công ty và tổ chức từ thiện. Công ty này cho biết, mỗi ngày khoảng 100.000 mặt hàng được thu thập và luân chuyển, nhằm kéo dài thời gian sử dụng cho những sản phẩm dệt may này và để chúng không bị chôn lấp.
Thực tế, lượng quần áo bị vứt bỏ ngày càng gia tăng, tạo thành các bãi rác thải khổng lồ. Theo ông Dan Green, đồng sáng lập công ty Helpy, vấn đề này ngày càng nghiêm trọng và thực sự là “cơn đau đầu” của nước Mỹ. Ông cho rằng đó là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu. “Vì vậy, đây là một trong những lý do mà chúng tôi thực sự hào hứng với việc tái chế quần áo, và hướng đi này của Helpy là làm tăng số lần mặc của mỗi bộ quần áo”, ông cho biết.
Theo CNA, vấn nạn này đã vượt xa biên giới nước Mỹ.
Các quốc gia ở phía nam bán cầu đã trở thành bãi rác cho những thứ bỏ đi của các quốc gia giàu có hơn.
Các nhà môi trường cho biết, hơn 40% trong số khoảng 15 triệu bộ quần áo cũ được chuyển đến Ghana mỗi tuần - chủ yếu từ Mỹ và châu Âu, sẽ kết thúc vòng đời ở các bãi biển hoặc các cơ sở xử lý chất thải.
Do đó, các chuyên gia nhấn mạnh sự cần thiết của chuỗi cung ứng minh bạch và có đạo đức, bao gồm biết nguồn gốc vật liệu, chúng kết thúc ở đâu, những vật liệu nào được sử dụng ngay từ đầu.
Giáo sư Tensie Whelan, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh Bền vững Stern tại Đại học New York cho rằng, “ngành thời trang có cơ hội tuyệt vời để thúc đẩy sự đổi mới thông qua tính bền vững trong 10 năm tới. Điều này có thể được thực hiện theo nhiều cách, trong đó có việc tìm kiếm các nguyên, vật liệu thân thiện với môi trường”.
Thực tế, chúng ta đang chứng kiến rất nhiều đổi mới, từ việc nuôi da trong phòng thí nghiệm, cho đến sử dụng các vật liệu làm từ sữa bỏ đi… Theo Giáo sư Whelan, “tất cả sự đổi mới này xảy ra là để tái sử dụng các sản phẩm, và đó là một sự đổi mới thực sự thú vị”.
Tận dụng đồ cũ để làm đồ mới
Cũng theo Giáo sư Whelan, một giải pháp khác là cải thiện tính tuần hoàn hoặc sử dụng các sản phẩm cũ để tạo ra sản phẩm mới.
Một số người tiên phong trong ngành thời trang đang đi theo hướng này bằng cách biến tấu các nguyên, vật liệu thừa thành những sản phẩm quần áo mới đầy sáng tạo.
Tại Tuần lễ thời trang New York năm nay, thương hiệu thời trang thân thiện với môi trường Collina Strada đã sử dụng nền tảng này để nâng cao nhận thức về các vấn đề môi trường, với bộ sưu tập lấy cảm hứng từ động vật, được thực hiện bằng nhiều loại vải tái chế và bền vững.
Bà Hillary Taymour, Giám đốc sáng tạo cho biết: “Về cơ bản, chúng tôi sử dụng rất nhiều vật liệu tồn kho có nguồn gốc từ khắp nơi trên thế giới… Tất cả các dòng áo dệt kim của chúng tôi đều được sản xuất từ sản phẩm thừa của các công ty khác, nghĩa là chúng tôi đang sử dụng “rác thải” của họ, giúp kéo dài vòng đời của sản phẩm và giảm thiểu lượng rác thải đổ ra môi trường.
Theo Trendsvietnam, trong vài năm trở lại đây, thị trường thời trang Việt Nam bùng nổ với sự phát triển của nhiều thương hiệu thời trang thiết kế nội địa, trong đó, không ít thương hiệu chọn theo hướng thời trang bền vững - con đường dù khó khăn nhưng mang nhiều ý nghĩa tích cực cho môi trường và xã hội. Một số thương hiệu khai thác chất liệu an toàn, có khả năng phân hủy hoặc tái sử dụng để thiết kế sản phẩm, trong khi một số khác tận dụng vật liệu thừa hoặc tái sử dụng các sản phẩm cũ để tạo thành các bộ trang phục mới đậm chất riêng rất được giới trẻ chào đón.
Ảnh: Shutterstcok