Giới thiệu lịch sử ra đời của nghề làm bún ở làng Vân Cù |
Tôn vinh bún Huế
Chiều 1/5, tại lễ hội ẩm thực “Tinh hoa nghề bún” diễn ra sự kiện đặc biệt: xác lập kỷ lục Việt Nam với món “Bún xào thập cẩm kiểu Huế phục vụ 1.000 người ăn một lần tại chỗ”. Sự kiện thu hút hơn 1.000 người tham gia trải nghiệm các công đoạn chế biến món ăn trong chiếc chảo “khổng lồ” kích thước 2m với gần 200kg nguyên liệu thịt heo, thịt bò, tôm và rau củ…
Đông đảo người dân và du khách tỏ ra thích thú khi lần đầu tiên chứng kiến một chảo bún xào lớn đến thế. Ngọc Hà (TX. Hương Thuỷ) nói: “Bún xào là món ăn quen thuộc của người Huế nhưng một lúc có thể phục vụ 1.000 dĩa lại rất đặc biệt. Ăn cũng rất ngon”.
Trước đó, khách đến lễ hội ẩm thực còn được xem nghệ nhân làng Vân Cù (Hương Toàn, Hương Trà) quảng diễn các công đoạn làm bún thủ công truyền thống. Nhiều người lúc này mới ồ, à: thì ra sợi bún mình ăn hàng ngày có lịch sử lâu đời đến thế. Để làm ra sợi bún ngon, những người làm nghề phải trải qua nhiều công đoạn rất tỉ mỉ, công phu.
Mai Trang, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh bày tỏ: “Em ăn bún mấy mươi năm rồi nhưng giờ mới biết thì ra để có món bún ngon cho mình ăn, người làm nghề khá vất vả. Chuyến đi này thật ý nghĩa khi em đến lễ hội ẩm thực Huế. Ngoài thưởng thức ẩm thực Huế rất ngon, em còn được biết những câu chuyện văn hoá, lịch sử làng nghề đằng sau món ăn. Cảm giác thật là tuyệt”.
Xác lập kỷ lục với món bún xào thập cẩm kiểu Huế phục vụ 1.000 người ăn |
Cũng tại lễ hội ẩm thực lần này, khách tham quan được xem MasterChef Phan Tôn Tịnh Hải quảng diễn cách làm các món bánh từ bột, xem nghệ nhân ẩm thực Hồ Đắc Thiếu Anh chế biến các món bún chay và được mời thưởng thức miễn phí. Nhiều người rất vui khi vừa được trải nghiệm, được thưởng thức món ăn miễn phí lại còn nhận được quà từ nhà tài trợ Acecook.
Ngoài giới thiệu ẩm thực Huế và các món ăn đặc sản của các vùng miền khác, lễ hội ẩm thực năm nay tạo sự khác biệt với điểm nhấn là tôn vinh nghề bún. Bên cạnh các sự kiện quảng diễn nghề bún và xác lập kỷ lục với món bún xào thập cẩm kiểu Huế, nhiều gian hàng cũng giới thiệu các món ăn từ bún, như: Khách sạn Midtown giới thiệu món bún bò Huế do bếp trưởng, người từng giới thiệu bún bò Huế ở nước ngoài, đảm trách; phường Hương Toàn giới thiệu món bún con Vân Cù; một số gian hàng giới thiệu bún hến, bún đậu mắm tôm, bún xào…
Nhà nghiên cứu văn hoá ẩm thực Lê Tân, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phú Đạt Gia, Phó trưởng ban Thường trực Ban tổ chức Lễ hội ẩm thực cho biết, lễ hội ẩm thực năm nay đặc biệt tôn vinh, quảng bá bún Huế, một sản phẩm truyền thống của địa phương để giới thiệu đến du khách gần xa giá trị văn hoá, lịch sử lâu đời của nghề làm bún.
Ấn tượng và có điểm nhấn
Dịp nghỉ lễ 30/4 & 1/5 năm nay, du khách đến Huế rất đông. Ngoài tham quan danh lam thắng cảnh, thưởng thức các chương trình tại Festival Nghề truyền thống Huế, lễ hội ẩm thực là điểm đến thu hút người dân và du khách.
Trong mấy ngày diễn ra, tầm chiều tối, không gian lễ hội đón hàng ngàn người đến tham quan, mua sắm và thưởng thức ẩm thực. Sau cơn mưa chiều 30/4, ngay khi trời vừa tạnh, thực khách đổ về lễ hội rất đông. Tất cả các gian hàng đều đông khách. Điều đó cho thấy sự lan toả và sức hấp dẫn của lễ hội.
Năm nay, số lượng gian hàng tham gia lễ hội ẩm thực giảm còn 1/2 so với những năm trước nhưng lại đáp ứng tiêu chí của ban tổ chức là thiên về tinh gọn. Nhờ vậy, các gian hàng được chăm chút hơn, thiết kế theo kiểu “không gian ẩm thực trong vườn Huế”. Khoảng cách giữa các gian cũng giãn rộng, thoáng đãng để khách có không gian thưởng thức ẩm thực.
Ông Lê Tân kể, lúc đầu, ban tổ chức cũng khá lo lắng khi cùng thời điểm này diễn ra lễ hội ẩm thực ở nhiều địa phương khác, như: Phú Thọ, Quảng Trị, Nam bộ… Tuy nhiên, nhiều nghệ nhân ẩm thực, doanh nghiệp ở các địa phương vẫn chọn tham gia lễ hội ẩm thực Huế. Điều đó cho thấy sức hút của ẩm thực Huế.
“Nét tinh tuý và đặc sắc của lễ hội ẩm thực năm nay là không cần có nhiều gian hàng nhưng mỗi gian hàng phải thể hiện được không gian ẩm thực trong vườn Huế. Ban tổ chức mong muốn mang lại cho công chúng, du khách góc nhìn khác về ẩm thực Huế, tinh tế và đặc sắc. Không những món ăn ngon, đẹp mắt mà còn mang bản sắc văn hoá đậm đà. Đã đến lúc phải tính đến việc xây dựng Huế trở thành Kinh đô ẩm thực thì phải tôn vinh truyền thống và kiến tạo tương lai, nghĩa là phải biến tấu để món ăn phục vụ đại chúng”, ông Lê Tân cho biết.
Mì Quảng Phú Chiêm được nấu theo vị xưa là một điểm nhấn tại lễ hội ẩm thực |
Ngoài các món ăn truyền thống của Huế: bún bò, bánh bèo, nậm, lọc, bánh canh, bánh ép, chè…, không gian lễ hội còn giới thiệu đặc sản của Điện Biên, Hà Nội, Long An, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… Mỗi gian hàng mang đến những món ăn đặc trưng của địa phương, như: bánh khúc, bánh tôm Hồ Tây, bún đậu mắm tôm, hủ tiếu, các món sợi, phở và ẩm thực đường phố...
Hiệp hội làng nghề Việt Nam giới thiệu món mì Quảng Phú Chiêm (Quảng Nam) đúng vị truyền thống ngày xưa. Nghệ nhân ẩm thực dân gian Nguyễn Ngọc Ánh, đại diện Hiệp hội làng nghề Việt Nam khu vực miền Trung – Tây Nguyên cho hay, nhiều người đã ăn mì Quảng nhưng không phải ai cũng được nếm đúng vị món ăn. Chúng tôi đã nghiên cứu và chế biến món ăn này theo đúng hương vị truyền thống ngày xưa để giới thiệu đến mọi người. Rất vui khi món ăn này được khách thưởng thức khá đông. Mỗi đêm, gian hàng chúng tôi bán trên 120 kg mì Quảng.
Lần thứ hai tham gia lễ hội ẩm thực Huế, bà Ánh chia sẻ: “Năm nay, lễ hội ẩm thực Huế được tổ chức tinh gọn và giới thiệu được nét tinh tuý của món ăn Huế cũng như các vùng miền. Tôi từng tham gia nhiều lễ hội ẩm thực ở các địa phương khác và thấy Huế tổ chức rất tuyệt vời, bài bản và có điểm nhấn đọng lại”.
Thay vì tổ chức lễ bế mạc, lễ hội ẩm thực sẽ khép lại bằng đêm tôn vinh giá trị ẩm thực và tri ân những người đóng góp cho ẩm thực nói chung và ẩm thực Huế nói riêng, với ý nghĩa sẽ tiếp tục có thêm nhiều sự kiện khác trên tiến trình xây dựng Huế trở thành Kinh đô Ẩm thực. Cũng từ lễ hội này, mỗi năm, lễ hội ẩm thực sẽ tôn vinh một món ăn Huế.