Học sinh vẽ trang trí cho không gian trường học hạnh phúc |
Không thể hạnh phúc khi còn bạo lực học đường
Những ngày tháng 3/2023, giữa lúc các chuyên gia trong nước và quốc tế, giáo viên và học sinh đang hướng về hội nghị chuyên đề quốc tế về THHP lần thứ nhất diễn ra tại Trường đại học (ĐH) Sư phạm, ĐH Huế thì ngay tại Huế, vụ việc hai học sinh lớp 6 của một trường THCS trên địa bàn TP. Huế xô xát dẫn trên một học sinh tử vong khiến nhiều người cảm thấy đau lòng.
Không riêng ở Huế, nhiều vụ bạo lực học đường cũng liên tiếp xảy ra thời gian qua, trong đó có trường hợp hiệu trưởng đánh hiệu phó nhập viện ở Quảng Bình, dấy lên những lo ngại về an toàn trong trường học. Một lần nữa, nhiều người đặt ra câu hỏi: “Bao giờ mới xây dựng được THHP (?)”.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Văn Phúc, mô hình xây dựng THHP đặt ra những năm qua được ngành giáo dục và cả xã hội quan tâm. THHP phải là nơi tất cả thành viên đều cảm thấy mỗi ngày đến trường là một ngày vui, giáo viên xem đó là nhà, xem học sinh là con em mình.
Để tạo ra môi trường giáo dục hạnh phúc, thời gian qua, Bộ GD&ĐT tham mưu Chính phủ ban hành nghị định xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, chống bạo lực học đường. Trong đó nhấn mạnh, khi môi trường giáo dục thật sự thân thiện, an toàn; khi có sự cảm thông, sẻ chia thì sẽ có hạnh phúc.
Trên thực tế, ở các cấp học, từ mầm non đến ĐH, các vấn đề nảy sinh liên quan đến bạo lực học đường, mâu thuẫn trong trường học, các áp lực, căng thẳng trên giảng đường… xuất hiện cho thấy khoảng cách để xây dựng được THHP vẫn còn khá xa.
Theo các chuyên gia tâm lý Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế trong ba mươi năm qua, các vấn đề về sức khỏe tâm thần (như trầm cảm, lo âu, căng thẳng) gia tăng đáng kể ở trẻ vị thành niên và người trẻ so với nhóm người trẻ hoặc lớn hơn. Cùng với bối cảnh chung toàn cầu, một bộ phận lớn học sinh Việt Nam trải qua các dạng rối loạn lo âu, trầm cảm, các dạng rối loạn khí sắc khác, rối loạn hành vi và nghiện chất. Ước tính, có 8 - 29% trẻ em và trẻ vị thành niên Việt Nam trải qua các vấn đề về sức khỏe tâm thần, hơn 3 triệu thanh thiếu niên cần đến các dịch vụ về sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên, chỉ có 20% trong số đó nhận được sự hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết từ các chuyên gia. Tỷ lệ trầm cảm ở học sinh (16%) cao hơn tỷ lệ chung của dân số (4 - 6%). Nếu như trong quá khứ, phần lớn người Việt Nam có rối loạn trầm cảm rơi vào độ tuổi từ 60 - 65, thì hiện nay, trầm cảm có xu hướng trẻ hóa ở độ tuổi từ 15 - 17.
Chung tay xây dựng trường học hạnh phúc
Kiến tạo THHP là mong muốn của ngành giáo dục và cả xã hội hướng đến việc đi tìm giải pháp để đem đến cảm xúc tích cực cho thầy và trò, xây dựng văn hóa ứng xử trong môi trường giáo dục. Ở môi trường ấy, thầy có động lực cống hiến, trò được tôn trọng và phát triển năng lực cá nhân.
Nói dễ nhưng thực hiện không hề dễ. Ngoài các giải pháp từ vĩ mô, yêu cầu quan trọng nhất là các chủ thể có liên quan, từ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và cả phụ huynh phải nhận thức rõ vấn đề này và sẵn sàng để thay đổi.
PGS.TS. Đinh Thị Hồng Vân, Phó Trưởng khoa Tâm lý và Giáo dục, Trường ĐH Sư phạm phân tích bằng ví dụ: “Chẳng hạn, giáo viên muốn dạy cho học sinh tình yêu gia đình, lòng hiếu thảo thông qua cách làm thiệp tri ấn bố mẹ. Nhưng khi về nhà, phụ huynh không đón nhận nồng nhiệt món quà, ngược lại còn hỏi con gay gắt và cho rằng đó là việc làm vô bổ thì ngay lập tức học sinh sẽ bị tụt cảm xúc. Điều này để nói vai trò trong sự phối hợp giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh rất quan trọng”.
Theo các chuyên gia, bản chất của xây dựng THHP là xây dựng các mối quan hệ trong nhà trường. Trong các chủ thể xây dựng THHP, các nhà giáo, học sinh là quan trọng nhất. Giáo viên đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì văn hóa hạnh phúc ở học sinh của mình. Do đó, giáo viên phải được tập huấn và thực hành các kỹ năng kiểm soát cảm xúc, tự quan tâm và quan tâm đến khác, quan tâm đến môi trường từ đó lan tỏa, truyền dạy đến học sinh những kỹ năng ấy.
Theo PGS.TS. Đinh Thị Hồng Vân, mặc dù Bộ GD&ĐT, công đoàn ngành giáo dục rất quan tâm và có nhiều chương trình phát động nhưng hiện nay vẫn còn thiếu các văn bản hướng dẫn thực hiện THHP một cách rõ ràng và cụ thể. Từ đó để các trường có cơ sở áp dụng. Đây là vấn đề cần Bộ GD&ĐT cùng các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn.
Tại Thừa Thiên Huế, hiện nay, dự án THHP đã triển khai thí điểm ở 9 trường. Với những giá trị hiệu quả, mô hình này cần được nhân rộng nhiều hơn và các trường, các nhà quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh, phụ huynh cần thấy rõ sự thay đổi từ bên trong là cần thiết để chung tay xây dựng THHP trên mảnh đất học Cố đô.