leftcenterrightdel
 Một điểm nhận rác tái chế

Trong lịch sử, Đài Loan từng được gọi là "Đảo rác", nhưng tôi lại rất bất ngờ, ấn tượng với hòn đảo xanh, sạch và ý thức phân loại rác thải, tái chế rất cao. Ở đây, thời gian đông vui nhất trong ngày có lẽ là "giờ đổ rác", bởi khi có tiếng nhạc báo hiệu xe rác tới, người dân xách túi, xô đựng thức ăn thừa ra vỉa hè đứng đợi. Túi rác có nhiều màu, tùy quy định của từng địa phương. Rác thải được phân loại thành nhiều nhóm: giấy và hộp giấy; chai thủy tinh; lon và hũ kim loại; rác thông thường; rác thức ăn. Xe rác thông thường chạy trước, xe rác tái chế chạy sau. Xe rác tái chế gắn thêm thùng đựng thức ăn dư thừa của người dân. Các hộp cơm hay chai lọ bỏ đi, người dân cũng rửa sạch sẽ trước khi đổ rác. Thức ăn dư thừa sẽ được xử lý để làm thức ăn cho gia súc hay phân bón. Rác tái chế thì được xem xét tùy theo công năng.

Mùa hè năm 2022, tôi đã có cơ hội đến với Tzu Chi Foundation (Từ Tế), một tổ chức phi chính phủ quốc tế của Đài Loan. Đây là một tổ chức từ thiện Phật giáo lớn với hơn 500 văn phòng tại 66 quốc gia, hoạt động trên 4 lĩnh vực chính gồm từ thiện, y học, giáo dục và cứu trợ nhân đạo. Đặc biệt, Từ Tế rất nổi tiếng trong việc tái chế rác thành sản phẩm hữu ích trong các chương trình cứu trợ.

Theo dòng lịch sử, Đài Loan đã nỗ lực cải thiện môi trường từ cuối thập niên 1990. Chính quyền đã đầu tư cơ sở hạ tầng quản lý chất thải, xe thu gom rác, các nhà máy xử lý và đốt rác. Luật và các chính sách đã được ban hành để bảo vệ môi trường, khuyến khích người dân nâng cao ý thức và trách nhiệm trong việc phân loại và tái chế rác. Tuy nhiên, thời gian đầu, người dân phản ứng dữ dội với việc tái chế, bởi họ cho rằng họ đã nộp thuế, phần xử lý rác thải là của chính phủ, nên vấn đề giáo dục môi trường trong trường học được đẩy mạnh.

Là tổ chức phi chính phủ, nhưng lợi thế khi có thêm yếu tố tôn giáo, Ni sư Chứng Nghiêm (người sáng lập Từ Tế) thường phát biểu tại các trường học và truyền hình, kêu gọi người dân đồng lòng phân loại rác. Ni sư cũng nhấn mạnh, người thu dọn và xử lý rác không phải là người ở tầng lớp thấp trong xã hội, mà họ đáng được trân trọng, tôn vinh.

Từ năm 2000, Từ Tế đã thu thập các loại rác qua xử lý theo nhóm bao gồm chai nhựa, giấy, bao bì màng ghép, kim loại, pin và áo quần cũ. Số lượng rác thải cao nhất mà Tổ chức Từ Tế đã từng xử lý là vào năm 2006, với hơn 157 triệu tấn rác, khoảng 7,48% trên tổng số lượng rác cả nước. Tỷ lệ xử lý rác thải trên tổng số lượng rác đã giảm dần qua các năm theo sự phát triển của cơ quan chính phủ và tổ chức tư nhân khác. Tổ chức Từ Tế không còn đóng vai trò lớn đối với các loại rác như chai, giấy, quần áo, pin, kim loại và các loại rác có thể tái chế khác, nhưng với bao bì màng ghép, họ vẫn đóng vai trò rất lớn và đã xử lý trên 20% tổng rác thải cùng loại toàn đảo vào năm 2021.

Từ năm 2006, Tổ chức Từ Tế bắt đầu nghiên cứu và phát triển quy trình tái chế chai nhựa PET thành vải. Tháng 12/2008, DA.AI Technology được thành lập, chịu trách nhiệm phát triển hàng dệt may từ nguyên liệu thô tái chế, như poly chip tái chế, sợi polyester tái chế và vải tái chế. Quy trình sản xuất của DA.AI Tech đã nhận được chứng nhận Tiêu chuẩn Tái chế Toàn cầu (GRS) từ Liên minh Kiểm soát Peterson của Hà Lan để kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt. Tính đến năm 2020, Từ Tế đã phân phát 1.172.668 tấm chăn sinh thái tại các điểm xảy ra thảm họa ở 44 quốc gia và khu vực.

Với những nỗ lực từ chính quyền, các tổ chức xã hội và người dân, Đài Loan nổi tiếng toàn cầu về tái chế rác. Ngành công nghiệp tái chế mang lại giá trị hàng trăm tỷ đô, trong đó ngành công nghiệp tái chế nhựa thành công nhất. Gần 2/3 lượng nhựa chai PET của Đài Loan được thu hồi thành sợi dệt, theo yêu cầu của các công ty dệt trong nước hoặc các nhà sản xuất nước ngoài, dùng để sản xuất giày và quần áo thể thao.

Huế với thiên nhiên, di sản và con người hiền hòa, luôn nỗ lực để xây dựng đô thị sinh thái và di sản đặc trưng, nên tôi cho rằng Huế có thể xem xét trường hợp Đài Loan và mô hình của Tổ chức Từ Tế trong vấn đề giảm thiểu rác thải nhựa để tham khảo.

Trước hết là việc xem xét, đưa ra các quy định về phân loại rác. Có thể cân nhắc việc sử dụng 2 xe rác chạy nối nhau, một xe thu gom rác thông thường và một xe thu gom rác tái chế. Thiết lập các trạm thu gom, phân loại rác tái chế. Bên cạnh các chính sách mà chính quyền thành phố Huế hướng tới, các tự viện, chùa chiền hay cơ sở tôn giáo tín ngưỡng, hội đoàn có thể lồng ghép các bài giảng, kêu gọi tín hữu bảo vệ môi trường, chung tay phân loại rác.

Thứ hai, tham khảo Tổ chức Từ Tế và DA.AI Technology (https://daaitechnology.com) để nghiên cứu, phát triển quy trình tái chế, hoặc có chính sách thu hút doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Sau cùng, cần có chế tài xử phạt nặng đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường, xả rác ra nơi công cộng.

Cộng hưởng nỗ lực từ chính quyền đến người dân, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức phi chính phủ, cộng đồng tôn giáo tín ngưỡng, có thể tin tưởng vấn đề rác thải nhựa sẽ được giải quyết hữu hiệu, mà cuộc thi này là bước khởi đầu tích cực.

Bài, ảnh: Hương Giang