leftcenterrightdel
 

Ông gặng hỏi, mẹ trách con không chịu chú ý và nghe lời. Đại diện ban giám khảo hỏi, “công trình” này do ai làm, con trả lời ngay, không hề do dự, là do cô làm. Cô giáo và mẹ đã dặn rồi mà con không chịu nghe lời. Đáp án đúng đã chuẩn bị sẵn phải là cô giáo và con cùng làm. Con không chịu, còn cãi: “Con có làm chi mô, cô làm hết mà!”. Rồi còn cự lại mẹ: “Mẹ đi chùa. Phật dạy không được nói dối”. Mà đúng là con không làm thật, mọi thứ đã có cô giáo lo, con chỉ có nhiệm vụ trình bày trước cuộc thi.

Ông nghe chuyện mà cứ mãi băn khoăn. Đem chuyện kể lại với thầy cũ là một giáo già về hưu hơn cả chục năm rồi, gần đây kiêm thêm nghề kèm cháu đích tôn học tại gia. Thầy bảo, cháu nhà này là học trò lớp 4 cũng có chuyện. Bài làm văn hay được cô cho phép đọc trước lớp. Hỏi vì sao viết được hay thế, cháu cũng không chút ngại ngùng, “nội con làm giúp”. Cả lớp cười ngả nghiêng. Thì ra ông cháu “trúng tủ”, dạy làm văn ông bày cho cháu cách làm dàn ý, có lần nhân tiện đưa ra cụ thể một đề tài làm ví dụ. Ai ngờ sau đó cũng là đề văn của cô giáo.

Chuyện trò thầy giáo cũ tắc lưỡi: “Dạo ni so với trước đây khác xa. Có quá nhiều cuộc thi. Rồi, ngay cả thi học sinh giỏi cũng có tình trạng cho đề trước. Nhiều cuộc thi được trẻ hóa và ai cũng biết các em không có thể tự mình làm được đề tài được giao nhưng vẫn cứ thi. Thành tích được tính không chỉ cho học sinh mà còn cho cả lớp, cả trường nên áp lực đè nặng lên vai các em học sinh còn quá nhỏ tuổi”.

Bàn về các cuộc thi dành cho học sinh, mới đây một vị hiệu trưởng tại TP. Hồ Chí Minh đặt vấn đề, khi xuất hiện những bài tập thủ công, làm khẩu trang hay vẽ một bình hoa mà đẹp một cách lung linh rực rỡ, có bao giờ giáo viên chạnh lòng suy nghĩ một học sinh tiểu học có làm được hay cha mẹ làm thay? Rõ ràng, ai cũng biết là phụ huynh làm thay nhưng mà cứ để thực trạng đó tồn tại. Sự gian dối hình thành ngay từ sản phẩm đầu đời của các em mà chúng ta không chấn chỉnh.

Tính trung thực đòi hỏi phải được giáo dục từ bậc học thấp nhất bởi “gieo hành vi gặt thói quen, gieo thói quen thì gặt tính cách”. Thế nên, muốn xây dựng tính cách trung thực cho một học sinh thì người lớn phải làm gương, đừng chạy theo thi đua, đừng chạy theo thành tích, đừng tạo ra những cuộc chơi mà biết chắc chắn các em không làm chủ sản phẩm. Hay nói cách khác, đừng tập cho học sinh nói dối!

Đan Duy