leftcenterrightdel
Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng kinh tế sẽ tăng trưởng trong quý II 

33,3% số doanh nghiệp bị tác động

Trong quý I năm 2023, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đối mặt với nhiều thách thức từ lãi suất ngân hàng tăng cao; giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào biến động thất thường. Nhu cầu thị trường trong và ngoài nước ở mức thấp, các doanh nghiệp địa phương không có thêm nhiều đơn hàng mới do nhu cầu tiêu dùng trong nước và quốc tế đang suy yếu. Một số ngành công nghiệp chủ lực của địa phương như: dệt, may trang phục, chế biến gỗ, sản xuất xi măng,..., có xu hướng tăng trưởng chậm, thậm chí có mức tăng trưởng âm.

Điều này thể hiện khá rõ khi chỉ số sản xuất công nghiệp IIP 3 tháng đầu năm chỉ tăng 1% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng thấp nhất trong các năm trở lại đây. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng giảm 12,7%; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,7%. Nhóm các sản phẩm công nghiệp sợi xe từ các loại sợi tự nhiên tăng trưởng âm 4,4%; clinker xi măng tăng trưởng âm 42,5%... Nguyên nhân chính là do đơn hàng sản xuất bị cắt giảm. Mặt khác, lịch nghỉ tết của một số doanh nghiệp dài hơn mọi năm, kéo theo thời gian ngừng hoạt động sản xuất của doanh nghiệp khá lớn nên khối lượng hàng hóa sản xuất giảm sâu.

Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến chế tạo cũng không mấy khả quan khi mức tiêu thụ giảm 35,9% so cùng kỳ. Trong đó, chỉ số tiêu thụ giảm tập trung ở một số ngành công nghiệp cấp 4 như: sản xuất chế biến thực phẩm với mức âm 18,3%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 67,1%....

Kết quả khảo sát tình hình hoạt động doanh nghiệp quý I/2023 của Cục Thống kê tỉnh cũng cho thấy, chỉ có 66,7% doanh nghiệp cho rằng hoạt động sản xuất kinh doanh của họ khả quan và giữ ổn định so với quý IV/2022. Trong đó, 20% khẳng định kinh doanh đang tốt lên và 46,7% khẳng định giữ ổn định. Số doanh nghiệp còn lại đánh giá, doanh nghiệp gặp khó khăn, doanh thu sụt giảm so với quý IV/2022. Cũng trong khảo sát này, 81,7% các doanh nghiệp có chung kỳ vọng sản xuất kinh doanh của quý II/2023 sẽ khởi sắc hơn và giữ ổn định so với quý I/2023.

Đánh giá về nhóm các nhân tố ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong quý I/2023, 61,7% doanh nghiệp cho rằng, nguyên nhân xuất phát từ nhu cầu thị trường trong nước thấp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, 63,2% doanh nghiệp chịu tác động do tính cạnh tranh của hàng trong nước cao; 56,5% doanh nghiệp chịu tác động do lãi suất vay vốn cao và 41,7% doanh nghiệp gặp khó do thiếu nguyên, nhiên, vật liệu. Ngoài ra, nhu cầu thị trường quốc tế thấp, tính cạnh tranh của các hàng nhập khẩu cao, thiết bị công nghệ lạc hậu, khó khăn về tài chính cũng được doanh nghiệp đánh giá là nhân tố ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

leftcenterrightdel
Tư vấn chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp 

Nhiều chính sách hỗ trợ được triển khai

Trước những khó khăn của doanh nghiệp, ngay trong đầu quý 2, nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được triển khai. Trong đó, lĩnh vực tài chính tập trung nhiều nhất khi các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn đều đã triển khai các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo thống kê của chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, các ngân hàng thương mại trên địa bàn đang triển khai hơn 60 gói tín dụng với lãi suất ưu đãi giảm từ 0,5 - 2%/năm so với mức lãi suất thông thường. Các gói tín dụng này hướng tới nhóm khách hàng hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực ưu tiên, khách hàng doanh nghiệp, doanh nghiệp do nữ làm chủ, tín dụng thực hiện chương trình tín dụng xanh…

Ngoài ra, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 58 về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025. Và một trong những giải pháp được hiện thực hóa sớm nhất để hỗ trợ doanh nghiệp là việc triển khai Nghị định 12 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm. Trước đó, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 07 về giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Điều này được kỳ vọng sẽ đồng hành tốt hơn với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh trong bối cảnh hiện nay.

Cùng với các chính sách vĩ mô, theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh cũng đẩy mạnh rà soát, cập nhật tình hình khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp; hỗ trợ, hướng dẫn, đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình thành lập và hoạt động; tăng cường phối hợp, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đối với các dự án đầu tư lớn, trọng điểm để dự án sớm đi vào hoạt động, tạo chuyển biến mạnh mẽ về năng lực của doanh nghiệp.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng quan trọng nhất vẫn là sự nhạy bén, tự đổi mới, tự thích nghi của bản thân doanh nghiệp trong mọi điều kiện hoàn cảnh. Các doanh nghiệp cần đa dạng hóa sản phẩm, thị trường, đối tác và kênh xuất, nhập khẩu các hàng hóa và dịch vụ kinh doanh trong khả năng. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần tăng cường liên doanh, liên kết, hợp tác trong hoạt động kinh doanh, tận dụng tốt các chính sách ưu đãi... có như vậy mới phát triển nhanh và bền vững.

Bài, ảnh: HOÀNG ANH