Nước sạch về nông thôn |
Nước sạch là một trong những yếu tố cốt lõi để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Thời gian qua Thừa Thiên Huế có nhiều nỗ lực thực hiện các chương trình cấp nước sinh hoạt cho người dân.
Những ngày cuối tháng 8/2022, nhiều bà con ở huyện vùng cao Nam Đông háo hức đến thăm Nhà máy nước sạch Thượng Long vừa khánh thành, vì một lý do chính đáng: "Từ nay nước sạch đã về làng".
Thời điểm đó đã xế trưa, nắng chói chang hừng hực tỏa xuống núi đồi, thôn xóm khi các nguồn nước khe suối nơi đây đã "ngừng chảy". Nỗi lo của bà con đã được giải tỏa khi nguồn nước sạch từ Nhà máy nước Thượng Long với công suất công suất 2.000m3/ngày đêm do chính quyền địa phương và Công ty cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế nỗ lực xây dựng.
Trong căn nhà của anh Hồ Văn Kim (Thượng Long, Nam Đông) rộn ràng tiếng trẻ nhỏ nô đùa bên dòng nước sạch mát rượi. Anh Kim cười nói vui vẻ, hàng chục năm qua, người dân trong thôn ước mơ có nước sạch để sử dụng. "Trước đây quá khổ, đi tìm nước sạch thật khó, dùng nước khe suối rất nguy hiểm nhưng đành chịu. Giờ đây nước sạch đến với người dân rồi" - anh Kim chia sẻ.
Từ khi có Nhà máy nước Thượng Long, nhiều bà con ở xã Thượng Nhật, Thượng Quảng, Thượng Long... (Nam Đông) đã sử dụng được nguồn nước sạch. Từ thời điểm đó đến nay, người dân ở huyện vùng cao này (có khoảng 44,5% dân tộc thiểu số) có tỷ lệ dùng nước sạch đạt hơn 90%.
Kết quả trên là đáng ghi nhận, góp phần đưa tỷ lệ dân số nông thôn được cấp nước sạch đáp ứng theo quy chuẩn ở Thừa Thiên Huế đạt 93% vào cuối năm 2022 (vượt 28% so với mục tiêu của Trung ương đề ra đến 2030)
Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn còn một số địa bàn vùng sâu, vùng xa chưa có nước sạch, bà con vẫn đang sử dụng nguồn nước từ sông, suối hoặc các giếng đào truyền thống. Đáng ngại trước tác động của biến đổi khí hậu, hạn hán và xâm nhập mặn, nguồn nước ngày càng khan hiếm thì trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đơn vị liên quan cần tiếp tục tạo cơ hội để 100% người dân Thừa thiên Huế dùng được nguồn nước sạch.
Hiện thực hóa mục tiêu trên, trước hết cần tăng cường tiếp cận bền vững với nước sạch ở khu vực nông thôn, miền núi và vùng dân tộc thiểu số (DTTS) thông qua việc thay đổi sâu sắc về nhận thức của các cấp, các ngành, đặc biệt là của cộng đồng trong các khâu đầu tư, quản lý công trình nước sạch.
Đưa nước sạch vào các chỉ số phát triển KT-XH của các cấp, các chương trình mục tiêu quốc gia, như chương trình nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi... để tăng mức tiếp cận nước sạch cho người dân ở các vùng khó khăn. Lồng ghép hợp lý chỉ tiêu về nước sạch nông thôn trong kế hoạch phát triển KT-XH của các cấp ngành, địa phương; tăng cường công tác xã hội hóa, các cá nhân quan tâm đầu tư, vận hành, quản lý hệ thống cấp nước, đảm bảo người dân tiếp cận các dịch vụ cấp nước một cách an toàn, bền vững...
Nhằm hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường năm 2023, với chủ đề đề “Nước an toàn và đầy đủ cho mọi người”, tại Thừa Thiên Huế đã hưởng ứng, đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức nhiều hoạt động nâng cao ý thức trách nhiệm trong cộng đồng về ý nghĩa quan trọng của nguồn nước sạch từ ngày 29/4/2023 đến 6/5/2023, có thể kéo dài đến ngày Môi trường Thế giới 5/6/2023 và lồng ghép với các sự kiện và ngày lễ lớn khác trong năm. |