leftcenterrightdel
Nhiều người tham gia hiến máu cứu người. Ảnh: Thượng Hiền 

Câu lạc bộ (CLB) Máu hiếm (thuộc Trung tâm Huyết học Truyền máu, Bệnh viện Trung ương Huế) thành lập năm 2006, gồm các thành viên hiến máu, hiến tiểu cầu giúp đỡ bệnh nhân vô điều kiện. Mỗi tháng, các thành viên trong CLB hiến từ 15 đến 20 đơn vị máu. Nhờ vậy, đã góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân đến khắp mọi miền đất nước điều trị ở Bệnh viện Trung ương  Huế.

Mọi thông tin kết nối giữa các thành viên CLB đều trên zalo, nên việc hiến máu luôn kịp thời cho các ca cấp cứu. Cử nhân Lê Thanh Hải, phụ trách liên hệ cộng đồng, Trung tâm Huyết học Truyền máu cho biết: "Mỗi lần có bệnh nhân cấp cứu hoặc mổ tim thuộc nhóm máu hiếm, tôi thông báo trên zalo là có ít nhất 5 người tình nguyện hiến máu. Có lần vào lúc 10 giờ đêm, tôi vừa thông báo có ca sản phụ chuẩn bị sinh, gặp nguy hiểm, cần máu để cứu hai mẹ con, một chị là thành viên CLB, từ Phú Lộc tức tốc đi xe máy lên, đến nơi là 12 giờ đêm để hiến máu. Chị ấy bảo, chị cũng là mẹ. Cửa sinh là cửa tử. Đầy hiểm nguy nên chị rất hiểu nghĩa cử hiến máu. Chị hiến máu xong, ngồi chờ, biết ca sinh nở mẹ tròn, con vuông mới ra khỏi bệnh viện. Về đến nhà lúc trời gần sáng".

CLB có khá nhiều người tham gia hiến máu, hiến tiểu cầu trên 20 lần. Anh Đỗ Văn Minh, cán bộ của Trung tâm Huyết học Truyền máu nên anh luôn thấu hiểu và chia sẻ với người bệnh. Đặc biệt các trường hợp mổ tim, sản phụ bị băng huyết, cần máu, tiểu cầu là anh vừa hiến máu để cấp cứu, vừa lên mạng zalo của CLB nhóm máu hiếm để thông báo, vận động.

Anh Nguyễn Khắc Tiến, ở đường Phạm Thị Liên, Huế, đã bền bỉ 19 năm nay, dù bất kể thời tiết, thời gian, cứ có bệnh nhân cấp cứu là sẵn sàng hiến tiểu cầu. Anh nhớ mãi mùa dịch COVID-19 năm 2021, 21 giờ, anh nhận tin có bệnh nhân cấp cứu cần tiểu cầu gấp. Lúc ấy, vợ làm ở Trạm Y tế Thủy Biều, do ở lại chống dịch nên không thể về trông con. Anh có lý do để từ chối. Nhưng nếu mình không hiến tiểu cầu thì có thể bệnh nhân không qua khỏi. Anh nghĩ và liều gửi cả ba đứa con cho nhà hàng xóm. Tình hình dịch đang phức tạp, lại đêm hôm vậy mà khi anh nói cần hiến máu gấp để cứu người bệnh, những người hàng xóm đã trông con giúp anh ngay. Không những thế, những người hàng xóm tốt bụng ấy còn bày tỏ sẵn sàng giúp anh trông con bất cứ lúc nào anh khẩn cấp cần đi hiến máu cứu người.

Hay như Trần Thanh Sơn, làm việc tại Công ty Điện lực Phú Lộc. Nhà Sơn từ Phú Lộc lên Huế trên 50km, nhưng bất cứ lúc nào, hễ Bệnh viện Trung ương Huế cần nhóm máu hiếm là Sơn tham gia ngay. Được hiến máu với Sơn như là niềm vui, hạnh phúc. Hỏi vì sao có quan điểm như thế, Sơn bảo: “Ba mẹ tôi đều là chiến sĩ quân đội. Khi đang chiến đấu ba tôi bị thương rất nặng. Nếu không có máu của đồng đội cứu sống, thì ông không thế qua khỏi. Nên tôi coi máu của mình là những giọt máu ân tình, nặng nghĩa, luôn san sẻ để cứu giúp người đang gặp hoạn nạn”. 

Tôi gặp chị Nguyễn Thanh Nhân, người mẹ đến từ Quảng Ngãi, mẹ của bệnh nhân T. N, 12 tuổi.

Chị nói: “Con tôi bị sốt xuất huyết nặng lắm. Cần gấp tiểu cầu, nếu không có, cháu sẽ có nguy cơ tử vong. Cháu thuộc nhóm máu hiếm. Nơi đất khách quê người, tìm người truyền tiểu cầu rất khó. Tôi lo lắm, chỉ biết ôm con khóc. Rất may, các cô điều dưỡng động viên hai mẹ con và cho biết CLB hiến máu hiếm của Trung tâm Huyết học Truyền máu có rất nhiều thành viên đang tình nguyện hiến tiểu cầu cho cháu. Chỉ mấy tiếng đồng hồ, con tôi đã yên tâm sống trở lại”. Chị tìm zalo nhóm Rh- mãi mà không được. Tôi cho chị mượn máy. Dò giờ, ngày tháng con chị được hiến máu. Chỉ biết tên của hai vị ân nhân là Quỳnh Nga và Thế Phong. “Tôi không thể gặp mặt để nói lời cám ơn với hai em được một lời”. Chị Nhân nói trong nuối tiếc. Vậy đó, những người NMH của CLB NMH cho đi không bao giờ nhận lại. Nhưng họ có hạnh phúc lớn lao, không phải bất cứ ai cũng có được, đó là tiếp nối sự sống cho bệnh nhân.

ĐINH HOÀNG XUÂN HỒNG