Hội viên HNM thành thạo các thao tác với máy làm hương |
Mất đi thị lực đã gần 30 năm nay, nhưng bà Lê Thị Lệ Thủy (TX. Hương Thủy) vẫn vô cùng tự tin khi tham gia hội thi kỹ năng nghề dành cho người mù, người khuyết tật do HNM tỉnh tổ chức. Bà Thủy chia sẻ: “Năm nào tôi cũng trông chờ đến dịp để tham gia thi nghề chăn nuôi, vừa để rèn luyện kỹ năng chăn nuôi gà, vừa có cơ hội gặp các anh chị em cùng cảnh ngộ. Tôi thấy rất vui vì được giao lưu và học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm khi tham gia hội thi”.
Cùng cảnh ngộ như bà Thủy, nhưng ông Ngô Văn Sách (xã Lộc Thủy, Phú Lộc) lại chọn trồng nấm để thử thách tay nghề. Dù gặp khó khăn do mất thị lực hoàn toàn nhưng ông Sách vẫn rất nhanh nhẹn với các thao tác làm giá thể trồng nấm rơm. Ông Sách nói: “Làm giá thể trồng nấm rơm phải đảm bảo nén khuôn thật chặt. Có như thế, khi meo nấm “chạy” sẽ không bị đứt, từ đó gia tăng năng suất và chất lượng nấm. Không nhìn thấy như người sáng nên tôi cảm nhận độ ẩm và chất lượng giá thể thông qua đôi tay, từ đó đúc rút nên nhiều kinh nghiệm thực tế”.
Theo ông Trần Khanh, Chủ tịch HNM huyện Phú Lộc, nhiều hội viên mù, khiếm thị tại địa phương đã học hỏi thêm được nhiều kinh nghiệm cũng như vững vàng hơn với tay nghề khi tham gia các hội thi. “Cùng với nỗ lực của bản thân và sự hỗ trợ từ các cấp Hội, nhiều hội viên như ông Sách cũng đã từng bước vượt qua rào cản, tìm được ngành, nghề phù hợp từ trồng trọt, chăn nuôi đến buôn bán nhỏ để ổn định sinh kế”, ông Khanh cho biết.
Ngoài bà Thủy và ông Sách, với nhiều ngành nghề được tổ chức tại Hội thi kỹ năng nghề, các hội viên người mù, người khiếm thị đã có cơ hội tranh tài và củng cố kiến thức nhiều ngành, nghề khác nhau như tin học, nghề xoa bóp phục hồi sức khỏe (massage), làm hương, làm chổi đót, trồng nấm, kỹ thuật chăn nuôi.
Không chỉ Hội thi kỹ năng nghề được tổ chức hàng năm, cơ hội học hỏi và trau dồi kỹ năng nghề nghiệp của các hội viên ngày càng rộng mở với các lớp dạy nghề tin học, chăn nuôi, lớp học làm hương và làm chổi đót được triển khai thường xuyên.
Ông Lê Văn Lộc, Chủ tịch HNM tỉnh, thông tin: “Mỗi lớp học được triển khai đều dựa trên nhiều tiêu chí, trong đó quan trọng nhất là đặc thù, nhu cầu học nghề để làm sao mỗi học viên sau khi tốt nghiệp đều có kỹ năng ổn định để làm việc có hiệu quả. Riêng đầu năm đến nay, trung tâm dạy nghề và tạo việc làm cho người mù đã khai giảng các lớp dạy nghề kỹ thuật chăn nuôi và phòng bệnh cho gia súc, gia cầm với 47 học viên tại HNM Phú Lộc, Quảng Điền và Phong Điền”.
Song song với công tác đào tạo và nâng cao tay nghề, HNM tỉnh còn chỉ đạo các đơn vị như A Lưới, Quảng Điền triển khai tổ chức đại hội thành viên hợp tác xã thuộc Hội. Tiếp tục chỉ đạo đơn vị Nam Đông tiến hành thành lập cơ sở sản xuất tập trung nhằm tạo việc làm cho hội viên sau đào tạo.
Áp dụng các biện pháp để hội viên có cơ hội cọ xát tay nghề không chỉ giúp phát triển kỹ năng nghề nghiệp, mà còn tạo điều kiện để hội viên mù, khiếm thị tự tin hơn, từ đó gia tăng năng suất và hiệu quả công việc. Cùng với sự nỗ lực của hội viên, các công ty, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, dịch vụ trực thuộc Hội cũng đã đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ.
Ông Lê Văn Lộc cho biết: “Đáng mừng nhất là trong quý I/2023, tổng doanh thu toàn Hội đạt hơn 1,8 tỷ đồng. Nhiều sản phẩm chất lượng mang dấu ấn của Hội như mành tre đan đã được xuất khẩu, các sản phẩm hương, chổi đót tiếp tục tạo được chỗ đứng trên thị trường. Đây đều là những nguồn động lực quý thúc đẩy các cấp Hội tiếp tục cố gắng trong công tác dạy nghề, tạo việc làm và nâng cao tay nghề, từ đó góp phần mang lại thu nhập ổn định cho hội viên”.