Trụ sở chính của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại thủ đô Manila, Philippines. Ảnh minh họa: Tribune.com.pk/TTXVN |
Cụ thể, Quỹ Tài chính Đổi mới cho Khí hậu ở châu Á và Thái Bình Dương (IF-CAP) sẽ tập trung vào việc tài trợ cho các dự án liên quan trong khu vực. Những quốc gia tham gia khác bao gồm Mỹ, Vương quốc Anh, Nhật Bản, Thụy Điển, và Đan Mạch.
Quỹ mới đã được ra mắt tại Hội nghị thường niên lần thứ 56 của Hội đồng Thống đốc ADB tại thành phố Incheon (Hàn Quốc), sự kiện đang diễn ra từ ngày 2 - 5/5.
“Tài trợ của IF-CAP sẽ đóng góp vào tham vọng đã đề ra của ADB về 100 tỷ USD từ nguồn lực của mình để chống biến đổi khí hậu trong giai đoạn 2019 - 2030. Rủi ro được giảm đi do các khoản bảo lãnh tạo ra sẽ cho phép ADB giải phóng vốn để đẩy nhanh các khoản vay mới cho những dự án khí hậu”, ADB cho biết trong một tuyên bố.
Theo đó, với mô hình “1 USD vào, 5 USD ra”, tham vọng ban đầu là 3 tỷ USD bảo lãnh sẽ có thể tạo ra những khoản vay mới, lên tới 15 tỷ USD cho các dự án khí hậu cấp bách trên khắp khu vực châu Á và Thái Bình Dương. Đáng chú ý, đây là một cơ chế đảm bảo đòn bẩy cho tài trợ khí hậu chưa từng được một ngân hàng phát triển đa phương nào áp dụng từ trước cho đến nay, tuyên bố của ADB cho biết thêm.
Ngoài ra, quỹ này cũng phù hợp với các nỗ lực của ngân hàng để trở thành một "ngân hàng khí hậu". Thông qua chương trình này, ADB có kế hoạch hỗ trợ các dự án khác nhau, nhằm "giảm thiểu" và "thích ứng" với tình trạng biến đổi khí hậu.
Về phần mình, Thứ trưởng Kinh tế và Tài chính thứ nhất của Hàn Quốc, ông Bang Ki-sun khẳng định trong một tuyên bố: "Hàn Quốc sẽ tích cực hỗ trợ IF-CAP, đồng thời thúc đẩy đầu tư khí hậu ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương, cũng như góp phần vào việc tăng cường khả năng phục hồi nhanh".
Bên cạnh đó, ông Bang Ki-sun khẳng định, Hàn Quốc sẽ tiếp tục nỗ lực chia sẻ các công nghệ và bí quyết liên quan đến khí hậu với những đối tác khác trong khu vực thông qua Trung tâm Công nghệ Khí hậu ADB - Hàn Quốc, dự kiến sẽ được khởi động tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc trong năm tới.