leftcenterrightdel
 Đô thị Huế phía nam sông Hương. Ảnh: HOÀNG LÊ

1… Bắt đầu bằng “Huế”, tên địa danh từ khi xuất hiện cho đến hôm nay không bị gián đoạn. Theo các tư liệu lịch sử, từ thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XIX, “Huế” mang ý nghĩa một địa danh gắn liền với phủ Kim Long của các chúa Nguyễn chứ chưa trở thành tên gọi của một đơn vị hành chính của đất nước. Ngày 12/7/1899, vua Thành Thái xuống Dụ công bố thành lập thị xã Huế, cùng tồn tại với các đô thị trực thuộc bộ máy hành chính Nhà nước phong kiến đương thời, như thị xã Thanh Hóa, Vinh, Hội An, Quy Nhơn và Phan Thiết.

Sau thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiến hành kiện toàn lại bộ máy quản lý Nhà nước, sắp xếp lại các đơn vị hành chính. Khi đó, Sắc lệnh số 77 ngày 21/12/1945 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam quy định Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Sài Gòn đều đặt làm thành phố…

Cuối tháng 4/1976, 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên được hợp nhất thành tỉnh Bình - Trị - Thiên. Tỉnh lỵ Bình - Trị - Thiên đặt tại TP. Huế.

Hiện, TP. Huế là đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh và sau nhiều lần nâng cấp, điều chỉnh địa giới hành chính của các đơn vị trực thuộc, TP. Huế có 36 đơn vị hành chính (gồm 29 phường và 7 xã).

Những cứ liệu sơ lược về lịch sử trên cho thấy, tên gọi Huế xuất hiện từ rất sớm và đã từng là thành phố trực thuộc Trung ương thời vua Nguyễn với vai trò Kinh đô, cùng với Sài Gòn và Hà Nội trở thành 3 trung tâm của đất nước.

leftcenterrightdel
 Đa số người dân đồng tình với tên gọi “Huế” khi cả tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Bây giờ, trong tiến trình xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, các cấp chính quyền đang xem xét, lấy ý kiến về một tên gọi của thành phố trong tương lai gần.

Hai phương án được đưa ra: Huế hay Thừa Thiên Huế? Quá trình lấy ý kiến và khảo sát người dân cho đến nay, cái tên “Huế” được phần đông người dân chọn lựa.

PGS.TS. Đỗ Bang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam dùng hai từ “đỉnh cao” và “thương hiệu” sau khi lựa chọn tên gọi “Huế” cho thành phố trực thuộc Trung ương tương lai. Ông nói, Huế đã tích hợp những giá trị vật chất và tinh thần quý báu để tạo nên một truyền thống văn hóa Huế. Truyền thống đó vừa mang tính đặc thù bản địa của một vùng đất, vừa không tách rời với những đặc điểm chung của truyền thống văn hóa dân tộc Việt Nam; đồng thời, có sự giao thoa và ảnh hưởng lẫn nhau giữa các nền văn hóa tiên tiến của nhân loại.

Ở thực tại, “Huế” được sử dụng một cách trang trọng, phổ biến trong mọi mặt của đời sống xã hội, như người Huế, văn hóa Huế, du lịch Huế, di tích Huế, nhã nhạc cung đình Huế, âm sắc Huế, Festival Huế... Còn tên gọi Thừa Thiên Huế, trong lịch sử hình thành và phát triển của tỉnh chỉ chính thức xuất hiện từ năm 1989, sau khi Quốc hội khóa VIII ban hành nghị quyết chia tách tỉnh Bình - Trị - Thiên thành 3 tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Bình và Quảng Trị.

Danh xưng “Thừa Thiên Huế” không được sử dụng một cách phổ biến như “Huế” và cũng ít được mọi người biết đến. “Trong tâm thức của đại đa số người dân, dù sinh sống tại địa phương hay đi làm ăn xa đều luôn nhận mình là “dân Huế” với niềm tự hào to lớn. Như vậy, tên gọi “Huế” đã đại diện đầy đủ cho vùng đất Thừa Thiên Huế”, Tiến sĩ khoa học, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn chia sẻ.

2. Theo các phương án thành lập các đơn vị hành chính thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố Huế sẽ được chia tách thành các quận ở phía bắc và nam sông Hương.

Hiện, những tên gọi như, Thừa Thiên, Ngự Bình, Thuận Hóa, Phú Xuân, Hương Giang được các cấp có thẩm quyền lấy ý kiến.

Qua nhiều lần hội thảo, lãnh đạo Sở Nội vụ khẳng định rằng, những tên gọi ấy trên cơ sở nghiên cứu, lựa chọn những danh xưng nổi tiếng, mang đậm bản sắc văn hóa gắn với vùng đất Huế.

Tên gọi được hình thành trên cơ sở lịch sử, được các nhà khoa học, nhà nghiên cứu ghi nhận và đã được trải nghiệm qua thời gian, qua các sự kiện lịch sử nổi bật gắn với vùng đất Thừa Thiên Huế; có tính đại diện tương đối cho một vùng đất, một khu vực được phân chia các đơn vị hành chính. Tiêu chí này có sự gắn bó mật thiết với tính phổ biến, tức phải được Nhân dân trong khu vực biết đến như một danh xưng thuộc “quyền sở hữu” của mình.

Ngoài ra, phải đảm bảo tính tương xứng, phù hợp giữa nguồn gốc lịch sử và sự tiêu biểu của danh xưng với mức độ, quy mô của đơn vị hành chính được đặt tên; tránh sử dụng những tên gọi có tính phổ quát cao, đại diện cho một hình ảnh vĩ mô hoặc một vùng đất rộng lớn để đặt tên cho một đơn vị hành chính nhỏ hơn; hoặc cũng không sử dụng những tên gọi có mức độ ảnh hưởng ít, trong phạm vi chật hẹp để đặt tên cho một đơn vị hành chính lớn hơn nhằm đảm bảo sự hài hòa của tên quận.

“Tôi tán thành việc để định vị phía bắc sông Hương nên đặt quận Phú Xuân; nam sông Hương lấy tên Thừa Thiên. Ngoài các yếu tố quan trọng khác, việc đặt tên quận cần có tính phổ biến, quen thuộc, gần gũi và gắn bó với Nhân dân, được Nhân dân tiếp nhận một cách tự nhiên trong cuộc sống đời thường”, PGS.TS. Đỗ Bang nói.

…Lẽ dĩ nhiên, khi tách các đơn vị hành chính, quan điểm sẽ chia nhỏ theo địa lý, địa hình, văn hóa để dễ quản lý, dễ phát huy tiềm lực, thế mạnh. Nhưng gộp “nhà chung” cũng có những ưu việt như tinh gọn bộ máy, nhân lực, để phát huy sức mạnh tổng hợp theo vùng, địa phương, để phát huy thế mạnh đầu tư… Và việc chuyện tách, nhập các đơn vị hành chính hiện nay của tỉnh quan trọng hơn cả là để đáp ứng những tiêu chuẩn, tiêu chí của một thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định của Trung ương.

Từ lịch sử cho đến hiện tại, danh xưng một địa phương luôn là niềm tự hào của người dân. Danh xưng ấy nối kết tình cảm, giữ gìn truyền thống, truyền cảm hứng cho cộng đồng. Lộ trình đã đề ra, việc đặt tên cho các đơn vị hành chính mới đang được phổ biến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân.

Không chỉ lựa chọn đặt tên cho các đơn vị hành chính mới sau sáp nhập, việc định vị trụ sở hành chính cho cấp địa phương cũng phải phù hợp. Trong một lần đề đạt ý kiến mới đây, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc Phan Công Mẫn tỏ ra băn khoăn bởi sau khi sáp nhập Phú Lộc và Nam Đông, dự kiến trung tâm huyện lỵ được đặt ở Khe Tre, Nam Đông. “Trung tâm của một huyện đồng bằng chuyển lên một huyện miền núi thì có điều gì đó bất hợp lý, do vậy cần cân nhắc, xem xét lại”, ông Mẫn bày tỏ.

Sau một lần “lỡ hẹn”, chưa bao giờ chính quyền lẫn người dân lại cảm nhận rõ được một mô hình đô thị trực thuộc Trung ương đang đến rất gần như vậy.

Xác định tên gọi các đơn vị hành chính chỉ là một phần trong một quá trình “lên Trung ương”, song, đây là công việc hệ trọng, chứa đựng tầm nhìn văn hóa cả trước mắt và lâu dài…

Bài, ảnh: Lê Thọ