Du lịch Huế cần khai thác thế mạnh văn hóa - di sản (Trải nghiệm khinh khí cầu để ngắm TP. Huế trên cao) |
“Tụt hạng”
Thông thường, một điểm đến sẽ trải qua 4 giai đoạn phát triển. Đó là giai đoạn khởi đầu, khi điểm đến được phát hiện, các nhà đầu tư thăm dò và bắt đầu có những đầu tư dịch vụ. Giai đoạn này dịch vụ còn hạn chế, chưa có nhiều du khách biết. Thứ hai là giai đoạn phát triển toàn diện. Lúc này, sản phẩm, dịch vụ du lịch được đầu tư hoàn chỉnh; triển khai xúc tiến quảng bá du lịch điểm đến, lượng khách du lịch tăng nhanh. Giai đoạn thứ ba là điểm đến đạt đến độ “hưng thịnh”. Đây là lúc mà du lịch phát triển lên tới mức cao nhất về sản phẩm và dịch vụ. Khi lượng khách du lịch đã đạt đến đỉnh cao, cũng là lúc điểm du lịch bước vào giai đoạn trì trệ sau cùng. Lúc này, sẽ có hai xu hướng xảy ra, hoặc là “trẻ hóa” điểm đến, hay nói cách khác là hình thành vòng đời mới, hoặc là suy thoái.
PGS.TS. Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, Tổng cục Du lịch từng chia sẻ, ở giai đoạn cuối hưng thịnh đến đầu trì trệ, tốc độ tăng trưởng về du lịch không chỉ không tăng mà còn có dấu hiệu suy giảm, cùng với tình trạng “nhàm chán” của du khách. Nếu không thay đổi về cơ cấu, đầu tư “làm mới” sản phẩm du lịch bằng cách nâng cấp những sản phẩm cũ, phát triển sản phẩm mới và nâng cao chất lượng dịch vụ thì du lịch nguy cơ thoái trào. Vì thế, ngay từ giai đoạn hưng thịnh, điểm đến phải tính đến phương án làm mới chính mình.
Yếu tố “cung - cầu” luôn được lựa chọn làm “hệ quy chiếu” trong từng giai đoạn phát triển. Với "cung - cầu", sản phẩm vẫn là yếu tố tiên quyết để giúp thu hút khách. Xét về khía cạnh này, sản phẩm du lịch ở Huế vẫn đang chủ yếu khai thác lợi thế sẵn có về di sản, cảnh quan thiên nhiên. Sản phẩm du lịch còn đơn điệu, phụ thuộc vào hệ thống di sản, thiếu đầu tư chiều sâu, thiếu các điểm vui chơi, giải trí. Các sản phẩm, dịch vụ ban đêm có những chuyển biến, nhưng chưa thực sự đa dạng, các hoạt động văn hóa nghệ thuật chưa sôi động…
Xét về các chỉ số quan trọng về lượt khách, tốc độ tăng trưởng, nguồn thu, số ngày lưu trú… ở Huế cho thấy sự chững lại một thời gian khá dài. Số khách sạn từ 3 – 5 sao hiện có 27 cơ sở, với 3.404 phòng. Con số này hơn 10 năm qua không có sự thay đổi. Số ngày lưu trú trung bình của khách giảm dần theo từng năm. Cách đây 10 năm, số ngày lưu trú là khoảng 2,2 ngày, qua các năm giảm dần còn 2 ngày, 1,8 ngày, 1,7 ngày và hiện tại vào khoảng 1,5 ngày. Đó là tính trung bình, còn nếu tính riêng các resort có số ngày lưu trú cao (trung bình khoảng 3 ngày/khách) nằm xa TP. Huế, thì riêng ở TP. Huế, số ngày lưu trú chỉ vào khoảng 1 ngày. Mức chi tiêu trung bình của khách cũng chỉ rơi vào khoảng 1,2 - 1,5 triệu đồng ngày/khách, còn thấp so với mục tiêu 2,2 triệu đồng được đặt ra.
Về khía cạnh so sánh mức độ cạnh tranh điểm đến trong cả nước, trong quý I năm 2023, lượng khách đến Huế ước đạt 633 nghìn lượt. Tổng thu từ du lịch ước đạt 1.415 tỷ đồng. Tổng cục Du lịch vừa thống kê, Thừa Thiên Huế chỉ xếp thứ 14 cả nước về tổng thu du lịch. Đó gần như là con số nói lên vị thế của du lịch Thừa Thiên Huế trên bản đồ du lịch cả nước. Như thế, có thể thấy, từ vị trí top đầu từ những năm 2000, đến top 5 vào các năm 2005 đến 2010; top 10 từ những năm 2010 đến 2020 và hiện tại Huế chuyển dần sang top 15.
Nếu có tính chủ động hơn, đáng lẽ ra, du lịch Huế phải làm mới mình cách đây 10 năm trước. Khi mà các loại hình du lịch khác cạnh tranh gay gắt với du lịch văn hóa - di sản. Chứ không phải đến bây giờ, du lịch vẫn trong hành trình hình thành vòng đời mới.
Vòng đời mới, sức bật sẽ mới
Những chỉ tiêu được đặt ra của ngành du lịch trong những nhiệm vụ để Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025 là: thu hút khoảng 6 triệu lượt khách (trong đó, khách quốc tế khoảng 45 - 50%); tổng thu đạt khoảng 13 nghìn tỷ đồng; thời gian lưu trú bình quân đạt trên 2 ngày; suất chi tiêu bình quân đạt 2,2 triệu đồng/lượt khách…
Muốn làm được điều này, không cách nào khác, du lịch Cố đô phải thay đổi, phải làm mới vòng đời càng nhanh càng tốt. Thừa Thiên Huế đã bước vào đầu giai đoạn trì trệ với hệ thống các sản phẩm du lịch và dịch vụ đã trở nên “nhàm chán” với du khách. Chính vì thế, phải tăng tốc làm “trẻ hóa” du lịch, bằng việc làm mới du lịch văn hóa, di sản; mở rộng không gian du lịch; khai thác tốt hơn du lịch gắn với đầm phá, du lịch biển, suối thác…
Theo PGS.TS. Phạm Trung Lương, cần có sự cơ cấu lại điểm đến du lịch để thích ứng với những cơ hội và thách thức. Đặc biệt về thị trường du lịch, để đảm bảo hạn chế tác động tiêu cực của những thị trường du lịch đại chúng đến môi trường tự nhiên, xã hội địa phương. Điều đó có nghĩa là phải xác định những thị trường mà Huế nhắm đến để xây dựng, hình thành sản phẩm cho phù hợp với vòng đời phát triển.
Xác định thị trường mục tiêu để làm mới chính mình sao cho phù hợp với nhu cầu, luôn là vấn đề đặt ra với Huế. Theo các chuyên gia, Huế cần làm rõ nhu cầu khác nhau của khách du lịch. Đối với thị trường khách châu Âu, châu Úc, Bắc Mỹ cơ bản có nhu cầu tìm hiểu sâu về văn hóa - di sản. Còn với những thị trường nội địa, Đông Nam Á và một số nước ở Đông Á cũng là văn hóa - di sản nhưng đòi hỏi thêm những trải nghiệm, các chương trình biểu diễn nghệ thuật mang tính giải trí cao hơn. Huế cần chọn lọc thị trường và xây dựng sản phẩm phù hợp.
Ông Vũ Hoài Phương, nguyên Hiệu trưởng Trường cao đẳng Du lịch Huế cho rằng, cấu trúc lại du lịch tùy thuộc vào mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nắm rõ những định hướng chung của cấp Trung ương, gắn với lợi thế của vùng đất. Thời gian qua, du lịch văn hóa được sự quan tâm, như Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM Hà Nội 2023 lấy chủ đề “Du lịch văn hóa”. Những giải thưởng du lịch thế giới mà Việt Nam đạt được thời gian qua cũng gắn với văn hóa - di sản. Vì vậy, cần phân tích cơ hội, thách thức, những yếu tố tác động chính để làm cơ sở tái cơ cấu ngành du lịch và cần sớm triển khai.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh, thời gian gian qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp mới để xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với xu hướng mà du khách chọn lựa. Trong đó, làm mới sản phẩm văn hóa - di sản, phát triển dịch vụ du lịch tại Quần thể Di tích Cố đô Huế được ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang xây dựng các đề án phát triển du lịch các khu, điểm du lịch tại các khu vực biển và đầm phá, sông, hồ, suối thác, các nghề, làng nghề truyền thống; đẩy mạnh các loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe… Khi làm mới được mình, chắc chắn điểm đến sẽ có sức bật mới.