Tôi thích cái tựa đề của Báo Tuổi Trẻ “Ngư dân đem thuyền “bơi” giữa đường phố Huế” khi viết về lễ hội quảng diễn đường phố, vốn đã quen thuộc trong các kỳ Festival Huế nhưng lại là lần đầu tiên xuất hiện ở Festival Nghề truyền thống. Không phải ngẫu nhiên mà những chiếc thuyền đánh cá được đẩy đi giữa đường, tái hiện lễ hội cầu ngư truyền thống của ngư dân miền miệt biển Thuận An lại xuất hiện lễ hội đường phố Festival Nghề truyền thống Huế 2023. Vùng biển Thuận An đã được sáp nhập vào Huế và ngư nghiệp là một nghề truyền thống của đất Thần kinh.

Có một điều gì đó thật khác lạ trong những buổi chiều Huế có lễ hội quảng diễn đường phố. Đó là một tâm lý chờ đợi để được xuống phố không chỉ của du khách mà còn là của đông đảo người dân. Khám phá những mới lạ là điều đầu tiên và trong cái đám rước này lại có không ít những điều đáng để ngỡ ngàng. Hòa vào cuộc bằng cách riêng của mỗi người, từ lẳng lặng đi theo đến chụp hình và cổ vũ cũng là sự thích thú. Với tiết trời đỏng đảnh của xứ Huế, đó còn là nỗi hồi hộp và cầu mong, dù trời không mưa em cũng “sợ” trời mưa.

Không còn nghi ngờ, từ nhiều năm qua, lễ hội nghệ thuật đường phố đã gắn liền với thương hiệu của Festival Huế. Mỗi năm mang một chủ đề, song điểm chung là sắc màu nghệ thuật phong phú đến từ nhiều nền văn hóa. Với các lễ hội đường phố, người dân Huế và du khách được thưởng thức một “bữa tiệc” đầy màu sắc được thể hiện nhuần nhuyễn, giàu cảm xúc trong những bộ trang phục truyền thống đặc trưng quốc gia và dân tộc, trên một số tuyến phố chính của thành phố. Một cảm thật vui khi chứng kiến cảnh tượng người xem chật kín hai bên đường.

Thật bất ngờ khi mà không có sự góp mặt các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế, thế nhưng chỉ với đoàn cà kheo đến từ Vương quốc Bỉ hợp cùng những “cây nhà lá vườn” vẫn đủ để khuấy động đường phố Huế trong tuần lễ Festival Nghề truyền thống Huế 2023. Quá ấn tượng và khó quên là tiếng trống dồn dập và màn biểu diễn đầy thần thái của đoàn lân sư Thái Nghi Đường chính hiệu đất Thần kinh, là màn đồng diễn võ Kinh Vạn An, hợp cùng những điệu nhảy cổ truyền của đồng bào Cơ tu và những điệu múa hoa sen truyền thống… trong lễ hội đường phố hôm nay.

Có xuất xứ nước ngoài nhưng khi du nhập vào Việt Nam, lễ hội đường phố nhanh chóng được đón nhận bởi không gian biểu diễn rộng mở, tính linh hoạt và sự tương tác cao giữa người biểu diễn với công chúng. Lễ hội đường phố cũng không mặc định một hình thức đồng diễn âm nhạc, diễu hành, mà có thể tùy biến, dung nạp thêm rất nhiều bộ môn nghệ thuật khác nhau. Thật thú vị khi trong cùng một không gian và thời gian, người xem vẫn được thưởng thức lần lượt từ dân ca đến nhạc điện tử, từ múa nón đến nhảy hip-hop, vừa xem ảo thuật, vừa xem trình diễn thời trang… Đó cũng là lúc, tất cả mọi người thật sự hòa mình vào lễ hội.

Lấy ý tưởng phô diễn sắc màu văn hóa truyền thống các làng nghề Huế, mạnh dạn và táo bạo đưa cả hình ảnh thuyền “bơi” giữa đường phố Huế là sự sáng tạo để tạo nên một sắc màu riêng biệt và độc đáo cho lễ hội quảng diễn đường phố trong Festival Nghề truyền thống Huế kỳ này, khiến ai đó đã một lần chứng kiến và trải nghiệm sẽ khó mà quên được, mong sao cứ... “đến hẹn lại lên”.

Đan Duy