Nắng nóng kéo dài, nguy cơ gây thiếu hụt nguồn nước |
Trong 4 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 đợt nắng nóng. Trong khi đó, theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, từ ngày 4-7/5 tại Thừa Thiên Huế tiếp tục có khả năng xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng, có nơi đặc biệt gay gắt. Đợt này, nhiệt độ cao nhất ở vùng đồng bằng, trung du, ven biển và TP. Huế nằm trong khoảng từ 37-39 độ C; huyện Nam Đông lên đến 38-40 độ C.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đưa ra cảnh báo nắng nóng kéo dài nhiều ngày liên tiếp có nguy cơ xảy ra tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở các vùng cửa sông có ảnh hưởng của chế độ thủy triều và thiếu hụt nguồn nước phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt của người dân.
Tại HTX NN Thuận Hòa (Hương Phong, TP. Huế) hiện nay đang tháo nước ở các chân ruộng khô để tập trung đẩy nhanh thu hoạch lúa đông xuân. Tiến độ gặt thời điểm hiện tại khoảng 50% diện tích. Ông Nguyễn Ngọc Bình, Giám đốc HTX NN Thuận Hòa cho biết, so với mọi năm thì hạn mặn năm nay đến muộn hơn, nhưng dự báo sẽ không kém phần gay gắt. Toàn HTX vụ đông xuân này sản xuất khoảng 150ha lúa, trong đó có khoảng 25ha ở vùng đê Học Lão phía trong đầm phá thường xuyên bị xâm nhập mặn.
Từ đầu vụ, HTX đã huy động máy móc, nhân lực đắp lại tuyến đê đất Bàu Lác, Học Lão nên dự kiến cuối vụ đông xuân, đầu vụ hè thu này sẽ giảm tình trạng xâm nhập mặn ở những chân rộng ven đầm phá. Ngoài ra, cùng với việc điều tiết nước hợp lý của đập ngăn mặn giữ ngọt Thảo Long, sắp tới tỉnh đang đầu tư kiên cố hóa tuyến đê bao Bàu Lác bằng bê tông trên chiều dài 1km, với tổng giá trị khoảng 11 tỷ đồng, sẽ tránh tình trạng xâm nhập mặn vào vụ hè thu.
Tại miền núi A Lưới, dù nắng hạn chưa gay gắt nhưng nguy cơ cao thiếu nước sản xuất vào cuối vụ. Nguyên nhân, nhiều công trình thủy lợi ở địa phương này xuống cấp, quy mô nhỏ nên khó chủ động được nguồn nước tưới. Tại xã A Ngo (A Lưới) có gần 110 ha lúa đông xuân và diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Là địa phương có diện tích lúa nước khá lớn của huyện A Lưới, nhưng hàng năm, vào mùa khô hạn, nắng nóng gay gắt kéo dài đều xảy ra tình trạng thiếu nước tưới phục vụ sản xuất.
Nắng nóng kéo dài, nguy cơ gây thiếu hụt nguồn nước sản xuất nông nghiệp |
Ông Nguyễn Đức, Chủ tịch UBND xã A Ngo cho biết, hàng năm sản xuất nông nghiệp tại địa phương thường gặp khó khăn do thiếu nước cục bộ khoảng 30ha, nguy cơ đối diện khô hạn. Cuối năm 2022, xã được đầu tư mới trạm bơm Cần Đôm B với tổng mức đầu tư gần 3 tỷ đồng, đã chủ động nguồn nước tưới cho số diện tích thường xuyên thiếu nước. Ngoài ra, trên địa bàn còn mới được nâng cấp hồ Cần Đôm B, hồ A Diêm, đập dâng sẽ chủ động ứng phó được khô hạn trong điều kiện không có lượng mưa bổ sung, nắng nóng, hạn hán kéo dài.
Theo Công ty TNHH NN MTV Quản lý khai thác Công trình thủy lợi tỉnh (Công ty Thủy lợi tỉnh), hiện nay đơn vị được tỉnh giao quản lý 218 công trình thủy lợi, phục vụ tưới tiêu cho khoảng 20 nghìn ha/vụ. Trong đó, riêng địa bàn A Lưới đang quản lý vận hành, khai thác 16 hồ chứa, 3 trạm bơm nước và 53 đập dâng lớn nhỏ phục vụ sản xuất cho 800ha lúa, 90ha nuôi cá nước ngọt.
Ông Dương Đức Hoài Khánh, Giám đốc Công ty Thủy lợi tỉnh thông tin, ngoài các công trình thủy lợi có quy mô nhỏ, xuống cấp thì phần lớn phụ thuộc vào nguồn nước bổ sung giữa thời vụ nên nguy cơ đối diện khô hạn, thiếu nước sản xuất ở A Lưới rất cao. Do vậy, từ đầu vụ tùy theo tình hình và nguồn nước tưới, trạm A Lưới chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó hạn hán, phân công lao động được bố trí tại trạm để bám sát cơ sở, chủ động điều tiết nước và kịp thời lắp đặt máy bơm dầu tại các hồ chứa để vận hành cấp nước chống hạn tiết kiệm và hiệu quả.
Trong trường hợp khi bước vào vụ hè thu 2023, nếu không có lượng mưa bổ sung, tình hình hạn hán kéo dài ảnh hưởng đến 19 đập dâng đảm nhận tưới cho khoảng 127 ha ở các xã, Công ty Thủy lợi tỉnh sẽ phối hợp các địa phương rà soát lại nguồn nước, khuyến cáo người dân có cách tưới phù hợp và đề xuất các địa phương vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Theo Sở NN&PTNT, ngay từ đầu vụ đơn vị này đã kiểm tra các vùng bị hạn, thiếu nước chỉ đạo các địa phương triển khai mọi giải pháp có thể để chống hạn cho cây lúa và hoa màu. Các địa phương đã thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”, chuyển đổi cơ cấu cây trồng từng vùng đất, chân đất lúa có khả năng thiếu nước và đối với các vùng không chủ động nguồn nước phải chuyển sang cây trồng khác, bố trí giống ngắn ngày nhằm chủ động sản xuất.
Để ứng phó với hạn mặn, UBND tỉnh cũng đã giao Sở NN&PTNT điều tra, đánh giá, xem xét khả năng cung cấp nước tưới cho vụ hè thu để chủ động xác định ngay từ đầu việc tiếp tục trồng cây lúa hay có kế hoạch chuyển sang trồng cây rau màu khác để hạn chế thấp nhất thiệt hại, nhất là các địa phương như Phú Lộc, Phú Vang, Nam Đông, A Lưới. Công ty Thủy lợi tỉnh bố trí nhân lực, phương tiện ra quân nạo vét các kênh hói, kênh rạch bồi lấp; sửa chữa các tuyến kênh mương hư hỏng và có giải pháp chủ động nguồn nước tưới trong vụ hè thu sắp đến.
Theo Quy hoạch thủy lợi tỉnh đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2035, tổng kinh phí đầu tư thủy lợi trong giai đoạn này gần 12 nghìn tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2017 - 2025 hơn 6.000 tỷ đồng, bao gồm kinh phí đầu tư cho phát triển hạ tầng công trình thủy lợi 5.875 tỷ đồng và kinh phí đầu tư cho giải pháp phi công trình 165 tỷ đồng; giai đoạn 2026 - 2035 gần 6.000 tỷ đồng, gồm kinh phí đầu tư cho phát triển hạ tầng công trình thủy lợi 5.618 tỷ đồng và kinh phí đầu tư cho giải pháp phi công trình 281 tỷ đồng. |