Nhà văn Nguyễn Quang Hà hơn tôi đúng một giáp. Nếu tính tuổi mụ, năm nay anh đã bước qua ngưỡng 87. Hiếm ai ở tuổi này, lại trải qua 7 lần mổ đại tràng mà vẫn còn phong độ như anh. Hầu như những buổi sinh hoạt văn chương nào ở TP. Huế, anh đều có mặt. Anh từng tâm sự với tôi: Anh có hai món nợ rất lớn mà chắc viết cho đến khi nhắm mắt xuôi tay cũng không thể nào trả xong. Ấy là món nợ đối với Nhân dân và món nợ đối với đồng đội. Gần 60 năm cầm bút, anh đã viết 9 tập tiểu thuyết, 7 tập truyện ngắn và ký, 2 tập thơ cùng với hàng trăm bài báo, cũng chỉ mong sao trả được hai món nợ to lớn ấy. Tuyển tập Thời tôi mặc áo lính gồm 4 cuốn, với 2.560 trang in (sách khổ lớn, do NXB Thanh Niên ấn hành, năm 2023).
Tuyển tập “Thời tôi mặc áo lính” của nhà văn Nguyễn Quang Hà |
Nguyễn Quang Hà có đến tám năm sống và chiến đấu ở chiến trường Trị - Thiên (1967 - 1975). Đây là nơi được xem ác liệt nhất, là vùng giáp ranh, tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch. Anh tận mắt chứng kiến những hành động dũng cảm, trí thông minh, tinh thần chịu đựng gian khổ, đức hy sinh của cán bộ chiến sĩ quân giải phóng nói chung và đại đội Ngô Gia Tự của anh nói riêng. Chính điều này thôi thúc anh cầm bút và trở thành một trong những nhà văn chủ yếu viết về đề tài chiến tranh trên văn đàn hiện nay. Ba tập tiểu thuyết: Sông dài như kiếm, Tiếng thở dài của đất, Vùng lõm mà anh tâm đắc đều viết về đề tài này. Một số chi tiết trong những tác phẩm ấy nếu không có thực tế chiến trường không thể biết được. Chẳng hạn như chi tiết chỉ cần ngửi mùi nước đái có thể đoán là bộ đội hay lính Mỹ. Nước đái bộ đội không có mùi khai do chủ yếu ăn rau rừng, còn nước đái lính Mỹ thì có mùi khai do ăn nhiều thịt cá. Hoặc chi tiết: Giáp Văn Sự – cán bộ an ninh vừa mới được tăng cường giúp xã Mai Trung - vô ý để những hạt cát dính trên cỏ chưa khô sương, in dấu bàn chân nên bị địch phát hiện hầm bí mật (Vùng lõm). Nếu không tận mắt chứng kiến những trường hợp hy sinh anh dũng của một số cán bộ nằm vùng, tác giả cũng khó lòng tưởng tượng hình ảnh Giáp Văn Sự nhảy vọt ra khỏi hầm bí mật, dùng súng AK bắn địch. Bị trúng đạn Giáp Văn Sự nín thở, nằm nghiêng, rồi bất ngờ rút chốt lựu đạn nổ tung trước khi bị quân địch bắn chết.
Thành công của tập truyện ký viết về huyền thoại Thân Trọng Một cũng chủ yếu là nhờ vốn sống, vốn thực tế ấy. Bởi nếu không có những năm tháng chiến đấu ở chiến trường Trị - Thiên thì anh không thể thuật lại những trận đánh dưới sự chỉ huy tài tình của Thân Trọng Một (như trận Lò Dầu, trận Khu Voi, trận Hói Mít, trận khách sạn Hương Giang... ) một cách cụ thể, sinh động, hấp dẫn đến như thế.
Thông qua lời kể của những người trong cuộc, tác giả Nguyễn Quang Hà giúp bạn đọc thấu hiểu những hy sinh, mất mát mà ông Thân Trọng Một, phải gánh chịu. Cả bố lẫn mẹ của ông đều bị chết bởi những đòn tra tấn dã man của kẻ thù. Người vợ đầu của ông luôn bị kẻ thù đe dọa, lùng sục đành phải chia tay ông trong đau đớn. “Con người huyền thoại” Thân Trọng Một có những nét tính cách khá đặc biệt. Không ai viết bản kiểm điểm gửi lên cấp trên mà chỉ bằng con số 1 to tướng được khoanh vòng tròn như ông. Khi được cấp trên hỏi, ông giải thích: “Một không tơ hào bất cứ thứ gì. Chiến lợi phẩm thu được của giặc, Một đã phân phát hết cho lính tráng, vì thấy họ quá ư thiếu thốn”.
Cũng như những cây bút viết về đề tài chiến tranh gần đây, Nguyễn Quang Hà đã phần nào khắc phục được một số hạn chế như bệnh sơ lược, công thức, đơn chiều... Tiểu thuyết Vùng lõm (NXB Quân đội Nhân dân, 2008) không chỉ miêu tả cuộc chiến giữa ta và địch, mà còn tập trung thể hiện “cuộc chiến” nội bộ giữa ta với ta. Đó là “cuộc chiến” giữa những người có lý tưởng cao đẹp với những kẻ cơ hội. Huỳnh Thế Tô bỏ học về làng Mai Trung làm xã đội trưởng chỉ vì yêu Hoài. Y tỏ ra ta đây dũng cảm cũng chỉ để được lòng Hoài. Y chỉ lo “vun vén chức tước, tập hợp quanh mình những người dễ sai khiến để tôn mình lên”. Nhưng khi bị Hoài từ chối thì tìm cách hãm hiếp cô, rồi tìm cách “chiêu hồi”. Quả đúng như nhà văn Nguyễn Quang Hà đúc kết: “Để quyền lực rơi vào tay những thằng cơ hội, chúng không ngần ngại gì giết cả trời xanh”. Thời bình hay thời chiến đều như thế cả. Hành động của Tô đã bị quân giải phóng trừng trị đích đáng. Đối lập với Huỳnh Thế Tô là Nguyễn Văn Dư - một chàng trai tài trí, kiên cường, gan góc và có đời sống tâm hồn hết sức phong phú. Nằm bên Hoài trong căn hầm bí mật, Dư cảm nhận một mùi thơm đằm thắm, ngọt ngào - mùi thơm toát ra từ da thịt trẻ trung của Hoài. Hay chi tiết Dư thừa nhận Lộc (một sĩ quan ngụy) “cao ráo, đẹp trai, thông minh”. Tác giả tin chắc rằng “giá thời bình, gặp nhau chắc hai người sẽ chơi thân với nhau”. Điều này khác hẳn với cách nhìn những người bên kia chiến tuyến trước đây. Trong những tác phẩm trước đây, họ chỉ toàn là những kẻ “xấu xa, đểu giả, uống máu người không tanh”. Có thể xem đây là một thành công đáng ghi nhận của tác giả khi viết về đề tài chiến tranh.
Nguyễn Quang Hà từng hai lần đạt giải ký báo Văn nghệ, tác phẩm Thân Trọng Một - con người huyền thoại được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, tiểu thuyết Sông dài như kiếm đã được dựng phim. Anh nói với tôi, trong ngăn kéo của anh còn có hàng nghìn trang bản thảo chưa in. Tôi thực sự kính nể sức viết dẻo dai, vốn sống phong phú và tài năng nhiều mặt của anh.