Ngũ cốc nguyên hạt thực sự có nhiều tác dụng trong việc điều trị bệnh đái tháo đường. Ảnh: MC |
Cơm trắng là loại thực phẩm chứa nhiều carbohydrate, ít chất xơ và chỉ số đường huyết cao (Glucoza Index – GI), có nghĩa là nó có thể khiến lượng đường trong máu tăng đột biến. Do đó, khi ăn nhiều cơm trắng, lượng đường này sẽ hấp thu nhanh vào máu và làm tăng nguy cơ dẫn đến ĐTĐ và làm bệnh ĐTĐ trầm trọng hơn. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể ăn cơm trắng với một lượng thích hợp.
Bệnh nhân ĐTĐ vẫn có thể ăn những loại thực phẩm giàu carbohydrate (tinh bột) như ngũ cốc, mỳ ống, cơm và các loại rau củ chứa tinh bột, nhưng phải với một thực đơn hợp lý và điều độ. Nếu đề ra mục tiêu carbohydrate cho mỗi bữa khoảng 45-60 gram thì bạn chỉ nên ăn một chén cơm. Đồng thời, những bữa ăn nên bao gồm các loại protein và chất béo tốt cho sức khỏe cũng giúp làm giảm tác động của cơm trắng trong việc làm tăng đường huyết.
Đối với bệnh ĐTĐ, các nhà nghiên cứu lâm sàng chưa có lời khuyên nào là tuyệt đối về việc không được dùng cơm hay bún, chỉ có là loại thực phẩm nào nên hạn chế và kiểm soát lượng tiêu thụ. Người bệnh có thể ăn cơm trắng nhưng nên thay bằng cơm lứt, các loại ngũ cốc nguyên hạt và ăn ở một lượng vừa đủ. Ngoài ra, bạn cũng có thể ăn kết hợp với những loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp. Gạo lứt có chỉ số đường huyết thực phẩm thấp hơn và chứa nhiều chất xơ, sẽ là một sự lựa chọn lý tưởng để thay thế cơm trắng. Một số loại gạo hạt dài, gạo hấp (gạo được hấp trong môi trường có áp suất cao để cho một phần cám hay các chất dinh dưỡng bao quanh hạt gạo chui vào bên trong) hay gạo basmati (giống gạo Ấn Độ và Pakistan có bán tại Việt Nam) cũng có chỉ số đường huyết thấp hơn so với gạo trắng.
Ngũ cốc nguyên hạt có nhiều chất xơ hơn so với các loại ngũ cốc khác. Một vài loại ngũ cốc thực sự có tác dụng nhiều hơn trong việc điều trị bệnh ĐTĐ. Tuy nhiên, bạn cũng nên kiểm tra nhãn hiệu để biết chính xác hàm lượng chất xơ chứa bên trong. Bạn cũng có thể ăn kèm gạo lứt với các loại thực phẩm khác như đậu đỏ, hay các loại thực phẩm chứa protein và chất béo tốt cho sức khỏe để có thể cân bằng lượng đường huyết. Một số loại thực phẩm khác như súp lơ, nấm và cà tím,... có chứa lượng carbohydrate tương đương với cơm nhưng lại có nhiều hơn protein và một vài chất xơ cũng là một lựa chọn tốt cho bạn.
Đối với người bệnh ĐTĐ, chỉ nên tiêu thụ khoảng 50 - 60% lượng tinh bột so với những người khỏe mạnh bình thường; không nên sử dụng những thực phẩm đóng hộp hay thức ăn nhanh, nội tạng đồng vật, đồ ăn chiên xào, hầm nhừ và nên chế biến các món ăn bằng cách luộc, hấp; ăn khoảng 2 bữa trứng/tuần; nên ăn nhạt; ăn thịt nạc, ăn nhiều cá để bổ sung chất đạm; bổ sung nhiều hoa quả, rau xanh, ưu tiên những loại trái cây ít đường như dâu tây, cam, dưa lưới, dứa, táo, lê...
Trong bữa ăn, người bệnh nên ăn rau trước khi ăn cơm, đa dạng thực đơn ăn uống, nên ăn đúng giờ để không bị đói quá hoặc no quá, nên cố định về thời gian ăn uống.
Bệnh ĐTĐ có thể chung sống hòa bình với căn bệnh này nếu có một chế độ dinh dưỡng hợp lý, thực hiện lối sống lành mạnh và suy nghĩ tích cực. Ngoài việc xây dựng thực đơn ĐTĐ hợp lý, bệnh nhân nên tập luyện khoảng 30 - 40 phút mỗi ngày để cải thiện sức khỏe thể chất.