leftcenterrightdel
Các học viên tạo nội dung trên chatGPT 

Nhìn từ một khóa đào tạo

Cụm từ ChatGPT chưa bao giờ hết “hot” khi tỷ lệ người dùng ở Việt Nam cũng như trên thế giới liên tục tăng. Và hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu có những “khám phá” mới nhằm ứng dụng chatGPT vào hoạt động kinh doanh.

Mà theo ông Nguyễn Đình Nam, chuyên gia Digital Marketing, Sale & xây dựng hệ thống vận hành doanh nghiệp, ChatGPT có thể cung cấp cho doanh nghiệp nhiều thông tin chuyên sâu giúp họ đưa ra quyết định sáng suốt, cải thiện mức độ tương tác của khách hàng cũng như thúc đẩy tăng trưởng. Bằng cách khai thác sức mạnh của ChatGPT, các doanh nghiệp có thể mở rộng quy mô hoạt động, nâng cao trải nghiệm khách hàng và đạt được lợi thế cạnh tranh trong ngành của mình.

Những trải nghiệm ứng dụng ChatGPT vào hoạt động kinh doanh đã được ông Nguyễn Đình Nam chia sẻ tại khóa đào tạo miễn phí do Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức cách đây không lâu. Thông qua việc giới thiệu về ChatGPT và cách thức hoạt động giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về tiềm năng của công nghệ này và cách sử dụng ChatGPT để tạo ra nội dung chất lượng cho doanh nghiệp. Các học viên cũng được hướng dẫn cách sử dụng ChatGPT để tạo ra tiêu đề và mô tả sản phẩm. Từ đây, doanh nghiệp sử dụng ChatGPT để tự động tạo ra các bài viết về sản phẩm hoặc dịch vụ của mình chỉ với những từ khóa đơn giản mà không cần đội ngũ nhân viên làm công tác truyền thông, vừa tiết kiệm thời gian, chi phí vừa tăng cường hiệu quả marketing.

Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Ngô Hữu Quý bộc bạch, khóa đào tạo giúp doanh nghiệp hiểu được cơ bản về công nghệ AI (ChatGPT) cũng như ứng dụng công nghệ này trong việc kinh doanh. Sau khóa đào tạo, doanh nghiệp có thể sử dụng ChatGPT để sáng tạo nội dung, marketing, chăm sóc khách hàng và phân tích dữ liệu, tối ưu hóa nội dung và tăng tương tác với khách hàng. Mà trước đây muốn làm được điều này, doanh nghiệp phải bỏ ra một nguồn kinh phí không nhỏ cho đội ngũ nhân sự, đào tạo… chứ không phải chỉ thông qua một khóa học miễn phí.

Hỗ trợ doanh nghiệp “bắt trend”

Trước khi bắt đầu, chương trình đào tạo chỉ có hơn 50 thành viên đăng ký tham gia. Tuy nhiên, khi chương trình bắt đầu số học viên tham gia khóa đào tạo đã tăng lên gần 150 thành viên. Và hiện nay, nhóm tiếp cận công nghệ này do Sở Kế hoạch và Đầu tư lập ra đã có hơn 200 thành viên. Rất nhiều doanh nghiệp sau khi tham gia khóa đào tạo đã mạnh dạn đăng ký tài khoản ChatGPT phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp tham gia tại khóa đào tạo này còn chia sẻ rằng “Không chỉ doanh nghiệp phải “bắt trend” để kinh doanh mà công tác hỗ trợ doanh nghiệp của sở cũng “bắt trend” rất nhanh”.

Và thực tế công tác hỗ trợ doanh nghiệp cũng đang “bắt trend” rất hiệu quả. Khi trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, các sàn thương mại điện tử trở thành kênh bán hàng được ưa chuộng thì sở tập trung hỗ trợ các lớp đào tạo kinh doanh trên sàn thương mại điện tử. Rồi khi TikTok shop lên ngôi trong năm 2022, các khóa đào tạo bắt tay chỉ việc kinh doanh trên TikTok shop cũng được tổ chức góp phần quan trọng trong tăng doanh thu của doanh nghiệp.

Chỉ tính riêng năm 2022, Sở đã tổ chức 4 khóa đào tạo kỹ năng chuyên sâu về thương mại điện tử cho hơn 200 doanh nghiệp. Các lớp truyền cảm hứng về chuyển đổi số cũng được tổ chức với hơn 800 lượt doanh nghiệp tham dự. Đến nay, phần lớn các doanh nghiệp đã ứng dụng các phần mềm, giải pháp vào hoạt động quản lý bán hàng trực tuyến, đa kênh, tiếp thị, quản lý quan hệ khách hàng, quản trị kênh phân phối,… Nhiều doanh nghiệp đang trực tiếp kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử. Hầu hết doanh nghiệp đều trang bị và sử dụng chữ ký số; hơn 60% các doanh nghiệp đang sử dụng phần mềm kế toán giúp tiết kiệm nhân lực, chi phí và tăng cường tính chuyên nghiệp của đội ngũ nhân viên; góp phần gia tăng giá trị thương hiệu của doanh nghiệp đối với khách hàng và nhà đầu tư.

Ông Lê Văn Cường, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, thành công của các chương trình đào tạo này phần nhiều bắt nguồn từ việc nắm bắt nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp. Những cơ quan, người làm công tác hỗ trợ cũng phải cập nhật xu hướng cũng như nắm bắt được các xu hướng kinh doanh mới từ đó tạo nên “nhịp cầu” kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp. Và mục đích cuối cùng là đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển.

Bài, ảnh: HOÀNG ANH