Các ngân hàng đang ưu tiên nguồn vốn cho các lĩnh vực ưu tiên |
Vốn chảy vào các lĩnh vực ưu tiên
Ưu tiên cho vay, hỗ trợ lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ gồm: xuất khẩu; nông nghiệp và nông thôn; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao là chủ trương thống nhất của ngành ngân hàng. Theo đó, các tổ chức tín dụng (TCTD) đều cam kết, các doanh nghiệp đủ điều kiện có thể tiếp cận với nguồn vốn lãi suất thấp hơn lãi suất thị trường.
Điều này được thể hiện khá rõ khi dư nợ của các lĩnh vực này trên địa bàn tỉnh vẫn chiếm ưu thế trong cơ cấu dư nợ. Chỉ tính riêng 3 lĩnh vực xuất khẩu, nông nghiệp và nông thôn; doanh nghiệp nhỏ và vừa đã chiếm 44% tổng dư nợ. Cụ thể, tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn trong 3 tháng đầu năm đạt gần 13.713 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 18,6% tổng dư nợ tín dụng; tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 14.243 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 19,3%; tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu đạt 4.948 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 6,7%; tín dụng lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đạt 1.295 tỷ đồng.
Lãi suất cho vay các lĩnh vực này cũng được áp dụng mức tối đa 5,5%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn. Trong khi đó, lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường dao động trong khoảng 9%-11%/năm đối với ngắn hạn; 9,5%-12%/năm đối với trung và dài hạn.
Vốn tín dụng đang hướng vào lĩnh vực nông nghiệp |
Ngoài ra, 23 chương trình tín dụng chính sách dành cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách cũng đang được đẩy mạnh triển khai, với tổng dư nợ đến cuối tháng 3/2023 đạt 3.915 tỷ đồng. Nguồn vốn từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia (về giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới và hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) cũng đang là trụ đỡ cho việc phục hồi và phát triển kinh tế nhất là khu vực nông thôn.
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Phạm Bá Nam khẳng định, Ngân hàng Nhà nước đang bám sát kế hoạch tăng trưởng tín dụng và mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%, thực hiện tăng trưởng tín dụng đi đôi với đảm bảo an toàn tín dụng. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện tiết giảm chi phí, hạ lãi suất cho vay nhằm đảm bảo hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Ưu tiên nguồn vốn tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ nhằm góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển kinh tế địa phương. Đồng thời, phát triển các chương trình tín dụng ưu đãi nhằm thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của địa phương.
Các chính sách tín dụng thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 11, thực hiện có hiệu quả gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định số 31 của Chính phủ và Thông tư số 03/2022 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng được triển khai.
Kiểm soát tín dụng
Ngoài thực hiện công tác điều hành hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên, NHNN tỉnh tiếp tục theo dõi, chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục tăng cường kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng nhưng không hạ chuẩn cấp tín dụng nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng.
Theo số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng bất động sản trong 3 tháng đầu năm đạt 19.266 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 26,1% tổng dư nợ tín dụng. Trong đó, tín dụng lĩnh vực bất động sản này chủ yếu tập trung vào đầu tư nhà ở, quyền sử dụng đất, có tính chất tiêu thụ tốt đảm bảo nhu cầu đời sống của người dân. Các ngân hàng thương mại đang kiểm soát rủi ro cấp tín dụng đối với phân khúc bất động sản cao cấp đang dư thừa nguồn cung, bất động sản không có nhu cầu thực, kinh doanh có tính chất đầu cơ bất động sản, làm giá, lũng đoạn thị trường bất động sản; kiểm soát mức độ tập trung tín dụng vào một số khách hàng, nhóm khách hàng lớn. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng cân đối tỷ trọng dư nợ cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản một cách hợp lý, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng
Riêng với dư nợ cho vay tiêu dùng, các tổ chức tín dụng cũng đang bám sát định hướng tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn, đẩy lùi tín dụng đen, lành mạnh trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Mở rộng cho vay tiêu dùng không chỉ bó hẹp trong các ngân hàng thương mại, mà còn có sự tham gia của các tổ chức tài chính đáp ứng nhu cầu tín dụng phục vụ cho đời sống trực tiếp, thậm chí nhỏ lẻ đối với khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa và những người yếu thế. Tính hết quý I/2023, dư nợ tín dụng cho vay tiêu dùng đạt 22.022 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 29,9% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh.
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, đơn vị đang giám sát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng và chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro để kịp thời phát hiện dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro và có biện pháp xử lý phù hợp. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (bất động sản, chứng khoán, BOT...). Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp trên địa bàn. Các chi nhánh ngân hàng chủ động làm việc trực tiếp với khách hàng nhằm tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.