leftcenterrightdel
Đầm Lập An hướng dọc theo thị trấn Lăng Cô 

Đầm Lập An, có tên gọi khác là đầm An Cư, nằm cạnh Quốc lộ 1A, thuộc thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc và cách TP. Huế khoảng hơn 60km. Đây là đầm nước lợ lớn nhất Thừa Thiên Huế, với diện tích lên đến 800ha. Nằm dưới chân đèo Phú Gia, đầm Lập An được bao bọc bởi dãy núi Bạch Mã hùng vĩ và vịnh Lăng Cô, được giới trẻ mệnh danh là một trong những địa điểm ngắm bình minh và hoàng hôn đẹp nhất nhì xứ Huế. Đây còn là vựa hàu lớn nhất của vùng Lăng Cô. Hàu ở đầm Lập An nổi tiếng ngon và từ loại hải sản này, du khách sẽ được thưởng thức những món ngon, như nướng trui, cháo, xào hành tây, gỏi…

Đầu tư phát triển hạ tầng

Cuối năm 2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia (DLQG) Lăng Cô - Cảnh Dương, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Khu DLQG Lăng Cô - Cảnh Dương được tập trung phát triển 8 phân khu du lịch chính, trong đó có 2 phân khu gọi tên đầm Lập An. Một là, phân khu du lịch đầm Lập An là trung tâm dịch vụ du lịch. Hai là, phân khu du lịch kết hợp nhà ở đô thị phía tây đầm Lập An.

Năm 2019, dự án đường phía đông đầm Lập An được khởi công, có tổng chiều dài các tuyến đường là 3,4km, trong đó nâng cấp, chỉnh trang tuyến đường Nguyễn Văn (chạy dọc đầm Lập An) dài 3km. Không chỉ tạo điểm nhấn, thu hút và nâng cấp dịch vụ du lịch khu vực, chỉnh trang đô thị Lăng Cô, khai thác du lịch đầm Lập An, dự án còn góp phần hoàn thiện hạ tầng Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Trước đó hơn 10 năm, nhằm giải quyết triệt để tình trạng ốc đảo cô lập của bộ phận dân cư phía tây thị trấn Lăng Cô, tạo điều kiện thu hút khách du lịch, tuyến đường phía tây đầm Lập An (đường Trịnh Tố Tâm) cũng được đầu tư xây dựng.

Theo Bí thư Đảng ủy thị trấn Lăng Cô, ông Trần Đình Vui, những con đường được mở ra là cơ hội để khai thác và phát triển tiềm năng của đầm Lập An, đặc biệt là dịch vụ du lịch. Đáng chú ý gần đây là dự án Chợ truyền thống Lăng Cô ở mặt tiền đối diện đầm Lập An, hứa hẹn trở thành một biểu tượng văn hóa mới, một điểm đến đầy bản sắc giúp thu hút, quảng bá hình ảnh và sản phẩm du lịch địa phương đến với du khách trong nước lẫn quốc tế. Cùng với đó là hệ thống nhà nghỉ, nhà hàng và các dịch vụ phong phú và đặc sắc được mở ra góp phần đưa đầm Lập An trở thành điểm dừng chân hấp dẫn cho du khách.

Phát triển theo hướng bền vững

Đã có những dấu hiệu khởi sắc, nhưng vẫn chưa có những đầu tư mang tính đột phá. Công tác triển khai thực hiện các quy hoạch và định hướng phát triển đặt ra một số thách thức như mặt nước xung quanh đầm Lập An đang bị xâm hại, lấn chiếm bởi các hoạt động kinh tế diễn ra khá “nóng” trong vài năm trở lại đây; các hoạt động kinh doanh ăn uống, nhà hàng, nuôi thủy sản không theo quy hoạch… Những thách thức nói trên đến từ nhiều mặt, quan trọng nhất vẫn là chưa có quy hoạch chi tiết, tích hợp đa ngành cho đầm Lập An…

Giai đoạn từ nay đến 2025, Huyện ủy Phú Lộc xác định du lịch - một lĩnh vực của dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn. Địa phương ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, chú trọng phát triển dịch vụ du lịch chất lượng cao. Mục tiêu của huyện là phối hợp xây dựng khu du lịch quốc gia Lăng Cô - Cảnh Dương thành trung tâm du lịch tổng hợp chất lượng cao, đạt đẳng cấp khu vực và quốc tế; có giải pháp khai thác hiệu quả tiềm năng các dịch vụ trên biển, đầm phá để thu hút du khách, phấn đấu tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm khoảng 63%.

Theo ông Nguyễn Văn Mạnh, Bí thư Huyện ủy Phú Lộc, Huyện ủy đang tập trung lãnh đạo việc huy động tốt mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế so sánh khu vực đầm Lập An để phát triển theo hướng bền vững. Đặc biệt, chủ động phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư, tăng cường liên kết vùng trong phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu xây dựng khu vực đầm Lập An trở thành điểm nhấn trong quá trình phát triển khu du lịch quốc gia Lăng Cô - Cảnh Dương...

Bài, ảnh: Bá Trí