leftcenterrightdel
 Phan Quang Nhật vẽ tranh trên nón lá

Ngay từ nhỏ Nhật đã bộc lộ năng khiếu khi anh thích bút vẽ, màu sắc, cứ thấy con vật nào trước mắt là anh liền đem giấy bút ra để vẽ lại. Nhớ lại tuổi thơ gian khó, Nhật kể hồi ấy, em không có tiền mua truyện tranh, toàn mượn truyện của bạn về vẽ. Đến năm 16 tuổi, Nhật chọn hướng rẽ khi xin học nghề tại một cơ sở vẽ tranh lụa. Thỏa ước mơ khi được học bài bản, những nét vẽ của Nhật ngày càng sắc sảo và thanh thoát hơn. Anh mở xưởng vẽ tại nhà, nhưng thị trường tranh lụa lúc ấy ảm đạm, phải đóng cửa.

Có nghề trong tay nhưng con đường khởi nghiệp của Nhật bắt đầu từ năm 24 tuổi. Tình cờ, trong một lần dạo chơi trên phố đi bộ, Nhật thấy những chiếc nón lá được bày bán trên các gian hàng, chợt nghĩ nếu vẽ tranh quê hương lên đó chắc du khách sẽ rất thích. Nhật thử và nhận ra, vẽ tranh trên nón lá khó hơn nhiều so với các dòng tranh khác như tranh vải, tranh giấy… Anh đã nhiều lần thất bại khi áp dụng kỹ thuật và màu nước lên nón lá vì bị chảy màu, lại thiếu tinh tế.

Không bỏ cuộc, mất gần 1 năm Nhật tự mày mò pha trộn các loại màu nước với nhau theo tỷ lệ nhất định để khi đặt cọ vẽ lên bề mặt chiếc nón sẽ không còn nhem nhuốc. Những sản phẩm ban đầu được Nhật đăng lên mạng xã hội đã nhận được những lời khen từ bạn bè. Đến năm 2022, khi thị trường du lịch phục hồi sau dịch COVID-19, nón lá của Phan Quang Nhật ngày càng được nhiều cơ sở đồ lưu niệm ưa chuộng, đặt với số lượng lớn. Anh bắt đầu có những đơn hàng đầu tiên từ thủ đô Hà Nội.

Để hoàn thiện một bức tranh trên nón lá phải qua nhiều công đoạn, từ vẽ phông nền, vẽ thô đến vẽ từng chi tiết nhỏ. Tùy vào kích cỡ nón và nội dung bức tranh mà thời gian hoàn thành cũng khác nhau. Nhật có sở thích đặc biệt vẽ những cảnh vật nơi mảnh đất mình sinh ra, hình ảnh cô gái mang áo dài bên chiếc nón lá, cầu Trường Tiền hay chùa Thiên Mụ… Hình ảnh có sẵn trong đầu rồi nên một tác phẩm mình chỉ cần vẽ trong vòng 15 phút. Bình quân mỗi ngày, Nhật có thể vẽ từ 20-30 bức tranh lên nón.

Xưởng tranh nhỏ của Nhật lúc nào cũng đông khách. Mỗi tháng trung bình có từ 30 đến 50 đoàn khách tìm đến để tham quan, trải nghiệm. Mỗi sản phẩm được bán với giá bình dân, từ 70.000 đến 150.000 đồng tùy theo kích cỡ, mẫu mã. Tranh nón lá của Nhật không chỉ bán cho du khách đến tham quan, trải nghiệm mua về làm quà mà có mặt khắp cả nước, như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang... Đơn đặt hàng của Nhật ngày càng nhiều thêm và nón lá Huế cũng đã có mặt tận trời tây.

Nói về dự định trong tương lai, Nhật bảo, muốn mở rộng thêm khu vực vẽ tranh để thu hút nhiều khách du lịch hơn. Anh tự tin vào con đường lập nghiệp của mình, gian nan nhưng vẫn sống được với đam mê khi vẽ tranh bằng sự nhiệt huyết, cộng thêm sự yêu thích và đón nhận của người tiêu dùng.

Bài, ảnh: An Nhiên