leftcenterrightdel
Quỹ tín dụng nhân dân đã hỗ trợ vốn cho khu vực nông nghiệp nông thôn (ảnh minh họa) 

Tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng

Với quy mô 7 quỹ tín dụng nhân dân, trong đó 6/7 quỹ đang hoạt động và 1 quỹ đang trong tình trạng kiểm soát đặc biệt, tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn đạt là 182 tỷ đồng, với 9.327 thành viên. Tổng số vốn huy động của các quỹ này đang ở mức 159,7 tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt 132,6 tỷ đồng. Cùng với các ngân hàng, các quỹ tín dụng nhân dân đã khẳng định được vị thế và vai trò của mô hình kinh tế hợp tác xã kiểu mới trong lĩnh vực tiền tệ - tín dụng, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Theo đánh giá từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, đa số các quỹ tín dụng nhân dân đã và đang hoạt động có hiệu quả, an toàn và hỗ trợ tích cực cho các thành viên có vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh và nâng cao đời sống, góp phần giảm nghèo ở nông thôn. Và hiện quỹ tín dụng nhân dân đang là địa chỉ cung cấp vốn và dịch vụ ngân hàng cho các đối tượng có năng lực tài chính hạn chế, khó tiếp cận được nguồn vốn của các ngân hàng thương mại tại khu vực nông thôn. Đây cũng là nhóm công chúng ít có điều kiện tiếp cận với thông tin, kiến thức về lĩnh vực tài chính – ngân hàng, do đó dễ bị tổn thương trước các thông tin hay biến động của hoạt động tín dụng.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân cũng bộc lộ một số bất cập và tiềm ẩn rủi ro, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống. Để nâng cao chất lượng, an toàn tổ chức và hoạt động của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và có những biện pháp chấn chỉnh hoạt động, tăng cường công tác thanh tra, giám sát đối với các quỹ tín dụng nhân dân yếu kém, tiềm ẩn rủi ro cao. Các giải pháp này đã góp phần tăng cường và nâng cao hiệu quả trong việc duy trì và đảm bảo an toàn trong toàn hệ thống quỹ tín dụng nhân dân.

Ngoài ra, với sự đồng hành của bảo hiểm tiền gửi đã hạn chế được phần nào các rủi ro cho người gửi tiền tại các quỹ tín dụng nhân dân nói riêng và các tổ chức tín dụng nói chung.

Kiểm soát hoạt động quỹ

Số liệu từ Chi nhánh Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tại Đà Nẵng cho thấy, trên địa bàn Thừa Thiên Huế, chi nhánh đang triển khai chính sách bảo hiểm tiền gửi đối với 7 quỹ tín dụng nhân dân: Thuận An, Thủy Dương, Thủy Xuân, Điền Hòa, Quảng Thành, Tây Lộc và Thuận Hòa. Điều này đồng nghĩa, người gửi tiền tại các quỹ này đang được bảo vệ bởi chính sách bảo hiểm tiền gửi.

Ông Phạm Bá Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh lý giải, khi gửi tiền vào tổ chức tín dụng tham gia bảo hiểm tiền gửi đồng nghĩa với quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền được bảo vệ. Điều này góp phần tích cực vào việc củng cố và nâng cao niềm tin của người dân vào các tổ chức tín dụng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Ngoài đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền trước những rủi ro, Chi nhánh Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng cũng đã có những đóng góp tích cực trong việc theo dõi, kiểm tra chuyên sâu về tiền gửi của các quỹ tín dụng nhân dân tham gia trực tiếp; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tỉnh trong việc xây dựng phương án xử lý các quỹ tín dụng nhân dân yếu kém trên địa bàn. Trong năm 2022, chi nhánh cũng đã ký kết quy chế phối hợp, trao đổi cung cấp thông tin với Ngân hàng Nhà nước tỉnh. Thực hiện kiểm tra định kỳ 2 quỹ tín dụng nhân dân là Thủy Dương và Tây Lộc, giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi cũng như an toàn trong hoạt động của các quỹ này.

Giám đốc Chi nhánh Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng Lê Quốc Thái chia sẻ, các nội dung kiểm tra, giám sát được triển khai thường xuyên và liên tục, tập trung vào việc phân tích, đánh giá thực trạng hoạt động của các quỹ tín dụng nhân dân; việc chấp hành các quy định về bảo hiểm tiền gửi cũng như việc tuân thủ quy định về đảm bảo an toàn trong hoạt động tín dụng. Qua đó, chi nhánh có thể phát hiện và cảnh báo rủi ro và các sai phạm, yếu kém mà quỹ tín dụng nhân dân cần khắc phục, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xử lý kịp thời nhằm đảm bảo an toàn, lành mạnh hoạt động của toàn hệ thống.

Ngoài ra, để đảm bảo cho hệ thống các quỹ tín dụng nhân dân hoạt động an toàn và phát triển bền vững, đúng mục tiêu, tính chất, nguyên tắc của loại hình tổ chức tín dụng hợp tác, NHNN chi nhánh tỉnh cũng nâng cao vai trò quản lý Nhà nước đối với các quỹ tín dụng nhân dân; tăng cường công tác thanh tra, giám sát, kiểm tra; tập trung thanh tra các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, dễ phát sinh sai phạm. Nâng cao chất lượng công tác giám sát an toàn đối với các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn để có biện pháp xử lý kịp thời. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương cấp huyện, xã và các đơn vị có liên quan để có giải pháp xử lý nhằm ổn định hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân và đảm bảo an ninh, chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh thông tin.

HOÀNG ANH