Trong ngày thi đấu 8/5, Việt Nam có màn bứt phá ấn tượng trên bảng tổng sắp để leo lên vị trí thứ 2 toàn đoàn và chỉ xếp sau chủ nhà Campuchia. Thành tích đó có sự đóng góp lớn của đội tuyển Kun Bokator với thành tích là 6 huy chương vàng (HCV) trong tổng cộng 15 huy chương vàng. Tại SEA Games 32, Kun Bokator có tổng cộng 9 nội dung đối kháng thì Việt Nam đều giành được huy chương, trong đó có tới 6 HCV. Ba tấm HCV còn lại thuộc về chủ nhà Campuchia.

Các HCV môn Kun Bokator của Việt Nam lần lượt thuộc về Ngô Đức Mạnh (đối kháng hạng 70kg nam), Huỳnh Văn Cường (đối kháng hạng 65kg nam), Trần Võ Song Thương (đối kháng hạng 60kg nữ), Nguyễn Thị Tuyết Mai (đối kháng hạng 55kg nữ), Nguyễn Thị Thanh Tiền (đối kháng hạng cân 50 kg nữ) và Phạm Thị Phượng (đối kháng hạng 45kg nữ).

Môn Kun Bokator có luật thi đấu không giống bất kỳ môn võ nào từng xuất hiện tại SEA Games. Khi lên sàn, vận động viên Kun Bokator sẽ đeo găng hở ngón tay, đội mũ, mặc giáp, mang bọc ống chân, bọc cùi chỏ. Mỗi trận đấu diễn ra trong 3 hiệp, mỗi hiệp 3 phút và nghỉ 1 phút giữa các hiệp. VĐV được công nhận điểm dựa vào 4 cách tấn công: Đòn tay, đòn chân, đòn vật và đòn đặc trưng gọi là Chorn Tnouk. Ngoài đòn đặc trưng, luật thi đấu Kun Bokator khá giống với luật thi đấu võ thuật cổ truyền được áp dụng từ năm 2022.

Trong tiếng Khmer, Bok có nghĩa là đánh hoặc võ thuật, tor có nghĩa là sư tử. Theo truyền thuyết của người Khmer cổ, đây là môn võ được một chiến binh sử dụng với các vũ khí như gậy ngắn để tấn công một con sư tử thường xuyên quấy nhiễu dân làng. Tên gọi Bokator bắt nguồn từ đó. Các bằng chứng về truyền thuyết này được ghi chép lại trong các bức phù điêu tại di tích đền Angkor Wat, Baphuon hay Preah KO từ thế kỉ thứ 9.

Đưa Kun bokator, môn võ truyền thống của người Campuchia, vào chương trình thi đấu của SEA Games, đoàn chủ nhà đã không áp đảo về số lượng HCV. Họ chỉ giành 8 HCV, trong đó có tới 6 nội dung biểu diễn. Tổng số HCV của Campuchia ở môn này chỉ hơn đoàn thứ hai là Việt Nam 2 chiếc.

Bá Trí