Nhà ga T2 thiết kế với mô hình hiện đại, mang kiến trúc Cung đình Huế vừa đưa vào hoạt động |
Xứng tầm
Bà Gaellems Okba (quốc tịch Pháp) vừa xuống nhà ga T2 trong ngày đầu đưa vào hoạt động nói: "Tôi cảm nhận được một sân bay có khuôn viên sạch, đẹp. Các khu vực phòng ốc tiếp đón khách ra vào hiện đại, sang trọng. Đội ngũ nhân viên phục vụ chu đáo, thân thiện và nhiệt tình làm cho tôi cảm giác thoải mái sau những giờ ngồi trên máy bay mệt mỏi".
Ông Nguyễn Đức Tiến, Giám đốc Cảng HKQT Phú Bài chia sẻ, với "thương hiệu" cảng hàng không của quốc gia, Cảng HKQT Phú Bài nhận được sự quan tâm của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thời gian qua. Đáng kể nhất, sau nhiều lần đầu tư nâng cấp cải tạo đến năm 2017, cơ sở hạ tầng cảng không còn phù hợp với nhu cầu thực tế vì sản lượng hành khách qua cảng tăng dần và mỗi năm vượt 30% so với công suất thiết kế nhà ga.
Để đáp ứng nhu cầu, cuối năm 2019, ACV phối hợp tỉnh Thừa Thiên Huế khởi công DA Nhà ga T2 ở Cảng HKQT Phú Bài với tổng vốn 2.250 tỷ đồng. DA gồm các hạng mục, nhà ga hành khách; hệ thống tường rào; đường giao thông, mở rộng sân đỗ máy bay, đáp ứng 8 vị trí đỗ máy bay; sân đậu ô tô và các hạng mục phụ trợ...
Hành khách làm thủ tục trước lúc lên máy bay tại nhà ga T2 |
Riêng nhà ga T2 được đầu tư nhiều thiết bị hiện đại, công nghệ hàng không tiên tiến, cung cấp nhiều tiện ích chất lượng cao phục vụ hành khách, với thiết kế 2 cao trình, 3 tầng. Tầng 1 gồm sảnh đến, băng chuyền hành lý, phòng điều khiển vận hành, khu vực nhập cảnh, cảng vụ, hải quan, phòng cho phi hành đoàn, phòng chờ VIP, phòng hành lý thất lạc, các phòng kỹ thuật điện, phòng kiểm soát an ninh, phòng y tế, khu vực dịch vụ… Tầng lửng gồm văn phòng các hãng hàng không, hệ thống điều hòa không khí, khu vệ sinh. Tầng 2 gồm sảnh đi, khu vực làm thủ tục, kiểm soát an ninh, khu vực xuất cảnh, khu vực chờ lên máy bay…
Hiện nay nhà ga T2, cảng HKQT Phú Bài đủ mọi điều kiện đón 5 triệu lượt khách/năm; trong đó có 1 triệu khách quốc tế...
Liên kết xúc tiến chuyến bay quốc tế
Nghe đến việc mỗi năm đón 1 triệu lượt khách quốc tế, lòng chúng tôi nhẹ hẳn và kỳ vọng về sự phát triển của cảng HKQT Phú Bài trong thời gian tới, bởi hành trình gần 17 năm cảng này đã mang thương hiệu quốc tế nhưng thực sự chưa đón được chuyến bay quốc tế đúng nghĩa. Ngay cả khi nhiều người con xứ Huế làm ăn xa khi về quê nhà cũng thấy mủi lòng khi nhắc đến cảng HKQT.
Đề cập vấn đề trên, Giám đốc Cảng HKQT Phú Bài cười cho rằng: "Ngày hôm qua đã khác hôm nay". Hiện tại với năng lực cơ sở hạ tầng khi đầu tư nhà ga T2, Cảng HKQT Phú Bài đã đủ chuẩn, không còn trăn trở, e ngại khi đón khách quốc tế. Cảng HKQT Phú Bài đang tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các đối tác, dịch vụ, hãng bay vào khai thác tour, tuyến...
Tuy vậy, theo lãnh đạo cảng HKQT Phú Bài, việc liên kết mở chuyến bay quốc tế phụ thuộc nhiều yếu tố. Cùng với sự nỗ lực từ các đơn vị, ban, ngành liên quan, rất trông chờ các giải pháp tích cực của chính quyền địa phương từ xúc tiến, quảng bá thu hút du lịch và thực sự để Huế là "điểm đến" của khách quốc tế.
Ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cho rằng, với vùng đất giàu tiềm năng du lịch như Thừa Thiên Huế, cùng với hạ tầng giao thông thuận lợi, nhất có cảng HKQT đã nâng cấp đầu tư mở rộng thì không có lý do gì mà không thể khai thác thị trường khách quốc tế. Khi điều kiện "cần" tại cảng HKQT Phú Bài đã có thì điều kiện "đủ" là chỉ tích cực thiện chí với những cái "bắt tay". Các ban ngành, đơn vị liên quan sẽ sớm tổ chức hội nghị tuyên truyền quảng bá, giới thiệu chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch trên cơ sở phối hợp, giao ước đưa khách đến Huế và ngược lại qua cảng hàng không.
Lãnh đạo Sở Du lịch cho biết, tin vui đã đến khi hạ tầng kỹ thuật của nhà ga T2 Cảng HKQT Phú Bài đầu tư khang trang, hiện đại. Hiện nay Sở Du lịch đã làm việc với các hãng hàng không trong nước và một số đối tác, hãng lữ hành lớn để bàn kế hoạch tăng tần suất bay, mở đường bay mới đến nhà ga T2 và kỳ vọng sớm có chuyến bay quốc tế đến Cảng HKQT Phú Bài...
Một chuyên gia tại Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh chia sẻ, kinh nghiệm cho thấy, tại nhiều quốc gia, các Cảng HKQT sau khi đưa vào hoạt động đã phát huy hiệu quả, trở thành đầu mối kết nối giao thông, vận chuyển hành khách và hàng hóa giá trị cao, thu hút đầu tư phát triển kinh tế, xuất khẩu, du lịch, kho bãi… tạo ra vùng phát triển đô thị rộng lớn.
Không nằm ngoài xu thế đó, với vùng đất có dư địa đang tăng tốc phát triển du lịch, dịch vụ công nghiệp... và có cảng HKQT Phú Bài đã đầu tư mở rộng, các ban ngành chức năng Thừa Thiên Huế cần sớm có những cái "bắt tay" thực sự để không chỉ khách du lịch, mà các nhà đầu tư, tập đoàn nước ngoài đến với Huế.