Công nhân HueWACO thi công, lắp đặt các tuyến ống nhằm đảm bảo cấp nước an toàn, ổn định |
Nhu cầu sử dụng nước tăng cao
Thời gian qua, HueWACO đã nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất và cung cấp nước sạch toàn tỉnh. Đến nay, đơn vị đảm bảo cấp nước an toàn (CNAT) cho gần 96,4% dân số toàn tỉnh (gần 1,12 triệu người, với hơn 300.000 đấu nối) không phân biệt đô thị và nông thôn, góp phần tích cực phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Tuy nhiên, vào mùa nắng nóng, nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân có xu hướng tăng cao. Qua kiểm tra, vào ngày 7/5/2023, sản lượng nước cung cấp tại các nhà máy nước (NMN) trên địa bàn tỉnh đều tăng cao so với công suất thiết kế, trong đó NM Quảng Tế 1, 2 đạt công suất 153.070m3/ngày đêm (ngđ), vượt 15,5% so với công suất thiết kế ; NM Chân Mây đạt 10.977m3/ngđ, vượt 37,2% so với công suất thiết kế ; NM Tứ Hạ đạt 16.100m3/ngđ (vượt 7% so với công suất thiết kế)…
Tại một số khu vực ở nông thôn, miền núi, hệ thống cấp nước chưa được đầu tư hoàn chỉnh để đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng nước của người dân trên địa bàn. Trong đó, tại huyện miền núi A Lưới với 9 nhà máy, gồm 8 NMN hoạt động và 1 NMN dự phòng, tổng công suất khoảng 7.000m3/ngđ, nguồn nước chủ yếu là nguồn các khe, suối (thường bị khô cạn vào mùa hè), HueWACO đã và đang cấp nước cho khoảng 70,4% dân số với hơn 9.000 hộ dân. Nhà máy nước Tà Rê trước đây do UBND huyện quản lý và được HueWACO tiếp nhận, nâng cấp, cải tạo từ 1.000m3/ngđ lên thành bể lắng thông minh 4.000m3/ngđ để đảm CNAT, an ninh nước cho người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, suối Tà Rê thường bị khô kiệt vào mùa nắng hạn nên thiếu 1.500m³/ngđ.
Tại khu vực TX. Hương Thủy, từ khi tiếp nhận NMN Phú Bài vào năm 2007 từ ban quản lý dự án huyện Hương Thuỷ với công suất thiết kế 5.000m3/ngđ với các bể lắng, lọc công nghệ lạc hậu, không đạt yêu cầu, bể chứa nhỏ 1.200m3/ngđ, cả 4 giếng nước ngầm bị nhiễm mặn nên nhà máy không thể hoạt động được.
Ngoài ra, tại khu vực Chân Mây - Lăng Cô (Phú Lộc), biến đổi khí hậu, nắng hạn kéo dài cũng đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn nước tại các nhà máy tự chảy ở khu vực như Khe Mệ, Pauger (NMN Chân Mây).
Giải pháp cấp nước mùa nắng nóng
Theo lãnh đạo HueWACO, xác định việc cung cấp nước ổn định trong mùa nắng nóng là rất quan trọng để không ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, ngay từ đầu năm 2023, đơn vị chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch cấp nước mùa nắng nóng trong toàn hệ thống. Trong đó, lên phương án cấp nước chi tiết cho từng khu vực, tăng cường kiểm tra, bảo dưỡng máy móc, đồng thời đầu tư trang thiết bị, quản lý chất lượng nước, nguồn nước, dự phòng vật tư... đảm bảo CNAT, ổn định cho người dân trên địa bàn.
Tại huyện Phú Lộc, HueWACO tiến hành xin ý kiến các sở, ban ngành, đơn vị liên quan tạo điều kiện cấp phép khai thác nguồn nước hồ Thủy Yên và xin chủ trương đầu tư xây dựng NMN Lộc Thuỷ giai đoạn 1 khoảng 11.000m3/ngày đêm đảm bảo CNAT, bền vững cho khu vực xã Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh, thị trấn Lăng Cô cũng như mở rộng phạm vi cấp nước cho khu vực xã Lộc Trì, Lộc Bình, thị trấn Phú Lộc qua tuyến D600 băng hầm đèo Phước Tượng. Ngoài ra, NMN nước sạch Lộc An hiện đang tích cực chuẩn bị đầu tư nâng cấp, sớm nâng công suất cấp nước lên 16.000m3/ngđ, đồng thời đầu tư mới tuyến ống HDPE D355 băng phá Lộc An - Vinh Hưng, đầu tư mới trạm bơm tăng áp Vinh Hưng công suất 6.000m3/ngđ cũng như nâng cấp, tuyến HDPE D315 băng phá Phú Xuân - Phú Diên, mở rộng mạng lưới tuyến ống cấp nước trong khu vực thuộc dự án cấp nước nông thôn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 vốn đầu tư công.
Ở TX. Hương Thủy, để đáp ứng nhu cầu dùng nước ngày càng tăng nhanh phục vụ sản xuất, du lịch, phù hợp với tốc độ phát triển của địa phương, HueWACO xây dựng phương án đầu tư Trạm trung chuyển - điều áp Châu Sơn (thể tích 10.000m3), đầu tư xây dựng mới bể chứa nước sạch 3.200m3 Phú Bài, lấy nước từ Huế để CNAT cho khu vực và tăng áp vào mùa hè nắng nóng.
Tại huyện Quảng Điền, đầu tư xây dựng mới trạm bơm tăng áp Sịa công suất 6.000m3/ngđ, với tổng mức đầu tư trên 26 tỷ đồng để nâng cấp công suất cấp nước, đảm bảo tạo nguồn dự trữ, điều hòa cho khu vực huyện. Tại huyện Phong Điền, NM nước sạch Phong Thu hiện đang huẩn bị đầu tư nâng cấp, sớm nâng công suất cấp nước lên 20.000m3/ngđ.
Đối với huyện miền núi A Lưới, để đảm bảo CNAT, ổn định và nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch (hiện tại có 4 xã chưa có nước sinh hoạt: Hồng Vân, Trung Sơn, Hương Phong, Lâm Đớt) HueWACO triển khai điều chỉnh quy hoạch cấp nước cho khu vực huyện A Lưới đến năm 2025 xây dựng NMN A Lin công suất 1.000m3/ngđ, NMN A Sáp công suất 1.000m3/ngđ; giai đoạn 2030 - 2045 nâng công suất 2 NMN A Lin, A Sáp lên 2.000m3/ngđ; cấp nước cho xã Hồng Vân, Trung Sơn (1.720 hộ), xã Hương Phong, Lâm Đớt (2.100 hộ) bổ sung nguồn, tăng áp cho khu vực trung tâm A Lưới và vùng phụ cận.
Ngoài ra, công ty đầu tư xây dựng mới tuyến D800 Đào Tấn - Dã Viên thay thế NMN Dã Viên công suất 24.000m3/ngày đêm, nâng cấp công suất cấp nước cho khu vực phía Bắc TP. Huế và TX. Hương Trà, tuyến D600 Đào Tấn - Đặng Huy Trứ, D600 Phan Bội Châu - Trần Anh Tông, nâng cấp công suất cấp nước cho khu vực phía nam thành phố và khu vực TX. Hương Thủy, tuyến HDPE D355 Kinh Dương Vương - Nguyễn Văn Tuyết, nâng cấp công suất cấp nước cho khu vực phường Thuận An, tuyến HDPE D315 Sịa, nâng cấp công suất cấp nước cho khu vực huyện Quảng Điền cùng nhiều tuyến ống nâng cấp mở rộng mạng lưới tuyến ống cấp nước các xã cuối mạng lưới cấp nước thuộc DA cấp nước nông thôn tỉnh giai đoạn 2021- 2025 vốn đầu tư công.
Hiện, HueWACO đang gấp rút hoàn thiện, dự kiến đưa NMN Vạn Niên công suất 120.000m3/ngđ (giai đoạn 1: 60.000m3/ngđ) vào vận hành thương mại vào ngày 19/5/2023 và sớm đưa Trung tâm vận hành tự động vào hoạt động chính thức nhằm quản lý thông minh hệ thống cấp nước, đảm bảo CNAT, ổn định cho người dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là vào những ngày nắng nóng, khô hạn.