leftcenterrightdel
 Cày đất bằng cơ giới

So với nhiều vụ lúa trước, thời tiết vụ lúa đông xuân này khá thuận lợi cho việc chăm sóc, lúa sinh trưởng tốt và thu hoạch đúng với khung lịch thời vụ. Đây cũng là điều kiện thuận lợi đối với nông dân trong việc tổ chức sản xuất vụ hè thu kịp thời vụ. Nông dân Lê Lộc ở phường Thủy Châu (TX. Hương Thủy) cho biết, ngay sau khi thu hoạch lúa đông xuân, nông dân tiến hành cày lật đất, xử lý đồng ruộng chuẩn bị gieo cấy hè thu.

Tùy thời gian sinh trưởng của từng loại giống và điều kiện thực tế của địa phương để bố trí thời vụ gieo cấy phù hợp, đảm bảo lúa vụ hè thu trổ tập trung từ 15/7 đến 30/7, phấn đấu thu hoạch xong trước ngày 5/9/2023.

Vụ hè thu thường bị ảnh hưởng do thiên tai, nhất là lũ đến sớm nên buộc phải gieo cấy đúng khung lịch thời vụ và triển khai tác biện pháp chăm sóc tích cực, đủ nước chống hạn để kích thích lúa sinh trưởng tốt, nhanh, trổ sớm và đều nhằm thu hoạch kịp thời vụ. Theo ông Lê Lộc, ngoài các biện pháp chăm sóc hợp lý, việc đưa các giống ngắn ngày, cực ngắn ngày và chất lượng vào gieo cấy vụ hè thu là yếu tố, điều kiện bắt buộc.

Thông qua hợp tác xã, chính quyền địa phương, người dân đã đăng ký mua giống tại các công ty, đơn vị cung ứng giống. Đặc biệt vụ hè thu này, nông dân sẽ đưa một số giống chất lượng cao vào sản xuất, được thử nghiệm thành công trong vụ đông xuân như giống TBR97. Đây là giống lúa mới có đặc tính giống lúa cảm ôn, thích ứng rộng, có khả năng thâm canh.

Giống lúa TBR97 có thời gian sinh trưởng ngắn, tại các tỉnh phía Bắc (từ Thừa Thiên Huế trở ra) trong vụ đông xuân chỉ 120 - 125 ngày. Chiều cao cây 90-100cm, đẻ nhánh khỏe, trổ bông tập trung, tỷ lệ hạt chắc cao. Giống chống chịu bệnh đạo ôn và rầy nâu khá tốt, nhiễm nhẹ bệnh bạc lá và đốm nâu. Năng suất lúa ước đạt 70 tạ/ha, trong điều kiện thâm canh cao có thể đạt 75-80 tạ/ha.

Ông Nguyễn Ba, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp An Lỗ (Phong Điền) thông tin, đơn vị đang tiếp tục triển khai mô hình sản xuất lúa hữu cơ với các giống chất lượng cao. Các giống đưa vào gieo cấy vụ hè thu ngoài chất lượng, năng suất cao phải đảm bảo chống chịu sâu bệnh, đổ ngã và rút ngắn tối đa thời gian sinh trưởng, thu hoạch kịp thời trước mùa mưa lũ.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Long An thông tin, ngành nông nghiệp cơ cấu nguồn giống hợp lý để đưa vào gieo cấy trong vụ hè thu. Mục tiêu đặt ra của ngành nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, đảm bảo sản xuất có hiệu quả. Yêu cầu các địa phương bố trí, cơ cấu giống và lịch thời vụ gieo trồng một số loại cây trồng chính vụ hè thu 2023 theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp.

Để đảm bảo năng suất và sản lượng lúa cần bố trí hợp lý các giống trên cơ sở xem xét cụ thể điều kiện sản xuất. Tỷ lệ, cơ cấu các giống có thời gian sinh trưởng cực ngắn như TH5, PC6… được tăng cường trên các diện tích gieo cấy muộn để đảm bảo lịch thời vụ gieo trồng.

Các nhóm giống lúa ngắn ngày và cực ngắn chủ lực được bố trí là khang dân, TH5, HT1, HN6, ĐT100 (KH1), N87, N97 (nếp)… Ngành nông nghiệp khuyến khích mở rộng sản xuất một số giống lúa đã công nhận chính thức được các địa phương đánh giá có khả năng phù hợp như Hà Phát 3, DT39, ST24… có tham gia liên kết, tiêu thụ sản phẩm.

Hiện nay, ngoài đẩy nhanh tiến độ sản xuất lúa đông xuân, đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp vệ sinh đồng ruộng bằng các chế phẩm sinh học, cày lật đất ngay sau khi thu hoạch nhằm diệt mầm mống sinh vật gây hại, hạn chế ngộ độc hữu cơ cho lúa mới gieo vụ hè thu. Đối với diện tích nhiễm phèn, mặn (đặc biệt là các vùng thấp trũng, tù đọng nước) cần thực hiện tốt các biện pháp bón vôi, rửa chua, phèn… nhằm hạn chế thiệt hại ngay từ đầu vụ hè thu.

Bài, ảnh: Hoàng Triều