leftcenterrightdel
 Tài xế lái xe chở hàng có trọng tải trên 7 tấn xếp vào diện nghề nặng nhọc, nguy hiểm

Tài xế thiệt thòi

 Anh Lê Văn Tùng (KQH Bàu Vá, Thủy Xuân, TP. Huế), tài xế xe tải thường chở hàng hóa trên 20 tấn từ Huế đi TP. Hồ Chí Minh và ngược lại vẫn chưa biết mình đang làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm. Hiện anh Tùng chỉ nhận lương từ chủ nhà xe ở TP. Huế với mức 2,6 triệu đồng/chuyến (từ 5-7 ngày), ngoài ra không được hưởng thêm phụ cấp đối với người lao động (NLĐ) làm công việc nặng nhọc theo quy định.

Trong khi theo Điểm b, Khoản 2.6, Điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam ban hành quy trình thu BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ BHXH, thẻ bảo hiểm y tế  NLĐ làm công việc có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5% so với mức lương của công việc tương ứng làm việc trong điều kiện lao động bình thường.

Không chỉ anh Tùng mà nhiều trường hợp lái xe vận chuyển hàng lớn (trọng tải 20-30 tấn) chúng tôi tìm hiểu lâu nay chưa được các DN vận tải, người sử dụng lao động (NSDLĐ) cho hưởng chế độ độc hại, nguy hiểm. Việc DN hay công ty không trả lương theo Quyết định 595/QĐ-BHXH đối với tài xế chở hàng nặng từ 20 tấn trở lên khiến họ thiệt thòi về khoản thu nhập tăng thêm lẫn mức đóng BHXH.

Anh Lê Văn Q. lái xe loại 50 ghế, tuyến cố định liên tỉnh thuộc một công ty vận tải khách, chi nhánh Huế hơn 3 năm nay. Hàng tháng anh Q. được hưởng mức lương theo thỏa thuận và các chế độ như BHYT, BHXH, ngoài ra không thấy khoản phụ cấp nặng nhọc, nguy hiểm. Nhiều lần anh Q. và các đồng nghiệp đề xuất lãnh đạo đơn vị xem xét đến yếu tố đang theo công việc nặng nhọc, nhưng vẫn chưa được quan tâm.

Theo Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 của Bộ LĐ-TBXH ban hành danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì có hơn 1,8 nghìn nghề, công việc/31 lĩnh vực được liệt kê nghề, công việc có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Riêng lĩnh vực vận tải có 100 nghề, công việc; trong đó có lái xe vận tải từ 7 tấn đến dưới 20 tấn, lái xe ô tô khách từ 40 đến dưới 80 chỗ ngồi...

Các tài xế xe tải nêu trên thuộc diện được hưởng chế độ phụ cấp và hưởng tiền lương bắt buộc phải cao hơn 5% đối với trường hợp tài xế khác không thuộc dạng công việc nặng nhọc, độc hại.

Thiệt cả đôi đường

Theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008, thời gian làm việc của người lái xe ô tô không được quá 10 giờ/ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ. Tuy nhiên các tài xế cho rằng, dù luật quy định như vậy nhưng thực tế thời gian họ làm việc nhiều hơn rất nhiều, nhất là đối với các lái xe đường dài, dịch vụ vận tải hàng hóa nhưng chưa được NSDLĐ tính thêm giờ lao động.

Theo Điều 107 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, thời gian làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường (tức không quá 8 giờ trong 1 ngày và không quá 48 giờ trong 1 tuần) theo quy định của pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc nội quy lao động.

Do đó, đối với các tài xế làm việc trong điều kiện mà Thông tư 11/2020/TT-BLĐTBXH quy định, tất nhiên họ được hưởng thêm chế độ làm thêm giờ theo Điều 98 Bộ luật Lao động năm 2019. Tuy nhiên, trong trường hợp NSDLĐ làm ngơ, rất ít tài xế yêu cầu NSDLĐ trả thêm chế độ làm thêm giờ theo quy định.

Hậu quả là tài xế sẽ bị xử phạt từ 3-5 triệu đồng theo quy định tại Điểm d, Khoản 6, Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12 -2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt vì điều khiển xe ô tô quá thời gian quy định tại Khoản 1, Điều 65 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

Còn chủ phương tiện sẽ bị phạt từ 4-6 triệu đồng đối với cá nhân, từ 8-12 triệu đồng đối với tổ chức khi giao phương tiện hoặc để cho người làm công, điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điểm d, Khoản 6, Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Ngoài ra, các tài xế làm công việc thuộc diện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm còn được nghỉ 14 ngày làm việc/năm (hơn 2 ngày so với người làm công việc trong điều kiện bình thường) và nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn, nhưng không quá 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường; kiểm tra sức khỏe thường xuyên theo định kỳ...

Những quy định trên là quyền lợi hợp pháp, chính đáng của các tài xế được thụ hưởng theo luật. Nếu NSDLĐ không thực hiện thì tài xế không chỉ bị thiệt hại quyền lợi trước mắt mà còn về lâu dài, khi xác định tuổi nghỉ hưu, giám định sức khỏe về bệnh nghề nghiệp, mức đóng BHXH…

Bài, ảnh: SONG MINH