leftcenterrightdel

Con giống về với bà con vùng cao A Lưới (Ảnh minh họa). Ảnh: Quỳnh Anh

Tôi quan tâm đến điều này bởi vì không chỉ dự án xóa đói giảm nghèo chỉ có ở Nghệ An, mà trên quy mô toàn quốc. Đây là một chủ trương và chương trình lớn của Đảng và Nhà nước, với mong muốn dành ngân sách đáng kể để đầu tư nâng cao đời sống người dân, đặc biệt là người dân nông thôn.

Chúng ta đều biết, nguồn lực của đất nước (không chỉ Việt Nam đâu) đều là hạn hữu. Sử dụng nguồn lực như thế nào về dài hạn cho có hiệu quả nhất là những tính toán. Hình như rất ít nước chọn phương pháp đầu tư dàn trải mà chọn trọng tâm, trọng điểm. Tức là chọn nơi nào, lĩnh vực nào có khả năng phát triển nhiều nhất để từ đó, tạo nên nguồn lực lan tỏa ra cả vùng, cả nền kinh tế. Ví dụ như Việt Nam chọn những vùng kinh tế trọng điểm là vậy. Từ trọng điểm này sẽ lan tỏa ra những nơi khác. Hoặc chọn thế mạnh kinh tế của một tỉnh, một vùng để mà đầu tư, từ đó sẽ lan tỏa ra những lĩnh vực khác.

Ở Việt Nam chúng ta (cũng không chỉ Việt Nam), nông thôn thiệt thòi hơn thành thị. Chính vì cách chọn đầu tư trọng điểm nêu trên đã tạo ra điều này. Nói nôm na là muốn đầu tư kinh doanh thì đôi khi phải hy sinh nhu cầu tiêu dùng. Đến khi công ty phát triển thì chẳng những có tiền tiêu dùng, mà còn đầu tư mở rộng kinh doanh…

Nước ta quan tâm đến khu vực nông thôn từ hàng chục năm trước. Rất nhiều chương trình để phát triển nông thôn. Như trước đây là các chương trình cho vùng đặc biệt khó khăn. Chương trình bãi ngang, chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, chương trình mỗi xã một sản phẩm… Càng ngày càng có một nguồn lực rất lớn đầu tư cho khu vực nông thôn. Đây là sự cân bằng phát triển kinh tế xã hội giữa các vùng miền, giữa các khu vực mà vai trò đầu tư của Nhà nước giữ một vai trò quan trọng. Thế là nông thôn, nông dân, người yếu thế thua thiệt đỡ thiệt thòi. Đó là trách nhiệm của mọi chính phủ và xã hội, không “kể công”.

Với quy mô đầu tư lớn cho các chương trình như vậy, chúng ta sẽ không tránh khỏi hết sai sót. Đầu tư “có thắng có thua” là chuyện thường tình. Điều nên tránh nhất là việc lợi dụng sự đầu tư của Nhà nước để hưởng lợi riêng. Nó có thể nằm ở dạng thổi phồng hiệu quả của dự án để được phê duyệt; nó có thể là sự câu kết để có được dự án hay có thể là ngay trong một dự án có những hạng mục thực hiện bị làm lệch đi tính trọng tâm…

Ví dụ một dự án nuôi bò, nuôi vịt, chẳng hạn. Đã có dự án là có tiền. Mua con giống bao nhiêu, ở đâu, xây dựng chuồng trại thế nào, việc tạo nguồn thức ăn ra sao, công sức tập huấn bao nhiêu… Chúng ta mua đủ hết các thứ, tất cả chứng từ đều chứng minh hợp lý. Nhưng khi bò không sinh sản được, vịt không chăm sóc tốt bị chết… Thế là cái chuồng để nuôi chúng cũng trở nên vô nghĩa, đồ thừa thãi, vướng víu bỏ đi. Tiền bỏ ra tập huấn cũng là thứ vô nghĩa lý. Nhưng mà cái chuồng đôi khi còn đầu tư nhiều hơn cả con giống.

Một vấn đề khác cũng cần lưu tâm. Muốn xóa đói giảm nghèo thì khi thực hiện dự án người dân phải có lãi. Chăn nuôi, trồng trọt không có lãi thì chẳng những không xóa được nghèo mà còn nghèo thêm. Nhà nước có thể mất ngân sách, nông dân thì mất công sức, thời gian… mà chẳng thu được lợi gì.

Giả sử chúng ta đặt ra một câu hỏi: Dự án xóa đói giảm nghèo tính toán hết mọi yếu tố đầu vào, nhưng đầu ra liệu có tính toán đầy đủ không? Dự án là có thời gian, còn thị trường thì luôn luôn lên xuống. Nếu dự án có tính giá trị đầu ra thì cũng chỉ nằm trong một khung thời gian nhất định, sau đó là “thả nổi”.

Cho nên, làm chương trình xóa đói giảm nghèo, cần nhất là cái tâm. Còn làm cho đúng, cho có, làm cho xong và làm cho có lợi cho những người nào đó thì có lẽ không khó.

Tít bài “Chưa đi câu mà đã gãy cần” chắc là vịn vô câu dân gian “Cho cần câu hơn cho con cá”. Khi có cần rồi thì câu chỗ nào có cá và cá ăn (mồi) mới là quan trọng.

Tôi đã cười một mình mãi khi đọc tựa bài này: “Chưa đi câu mà đã gãy cần”!

Nguyên Lê