Trích đoạn “Viên đạn súng kíp” |
Trích đoạn “Viên đạn súng kíp” dựa theo tiểu thuyết “Dấu chân người lính” của nhà văn Nguyễn Minh Châu, đề cập đến cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Chiến tranh là mất mát, đau thương, là chia ly, tang tóc… Trong những nỗi đau ấy, không nỗi đau nào hơn khi những người ruột thịt trong gia đình trở thành hai chiến tuyến.
Câu chuyện xảy ra trong một gia đình của người Vân Kiều ở miền núi phía Tây Quảng Trị vào thời gian quân giải phóng mở chiến dịch đường 9 – Khe Sanh.
Cụ Phan một lòng đi theo cách mạng nhưng Kiếm, con trai cụ Phan trước sự xúi giục, cám dỗ xa hoa đã đi theo quân thù, trở thành kẻ hại dân, hại nước. Hai cha con ở hai chiến tuyến và cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa chính và tà, sự dằn vặt nội tâm giữa tình thân và lòng căm hận được thể hiện đậm nét trong trích đoạn này.
Cuối cùng, tiếng gọi của lương tri, sự giác ngộ, tấm lòng độ lượng của người Vân Kiều, con lại về với cha, chồng đã về với vợ, cũng như những người con lầm đường lạc lối quay về với gia đình, bản làng trong sự bao dung, khoan hồng của cách mạng.
* Cũng tại cuộc thi này, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế dự thi hai trích đoạn tuồng: “Đào Tam Xuân” và “Mộc Quế Anh”.
Tiết mục dự thi của nghệ sĩ Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế |
Trích đoạn “Đào Tam Xuân” thể hiện câu chuyện lịch sử do nghệ sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhung dự thi.
Sau khi nghe tin Trịnh Ân bị bọn gian thần hãm hại, Trịnh Chúa ra lệnh giết Trịnh Ân và con trai là Trịnh Ấn. Đào Tam Xuân quyết định đề cờ trả thù chồng.
Trích đoạn “Mộc Quế Anh” do nghệ sĩ Phạm Lệ thủ vai chính. Mộc Quế Anh có bảo bối linh thiêng là Mộc dáng hương. Sau khi nghe tin Dương Quân Bảo là người yêu của Mộc Quế Anh bị bắt, Mộc Quế Anh liền mang Mộc dáng hương để phá trận giải cứu Dương Quân Bảo.
Cả hai trích đoạn đều thể hiện hình tượng người phụ nữ Việt Nam chung thuỷ, kiên trung và mưu trí, dũng cảm.
Cuộc thi tài năng diễn viên chèo, tuồng và dân ca kịch toàn quốc năm 2023 do Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa tổ chức từ ngày 6 đến 17/5.
Cuộc thi thu hút sự tham gia của gần 200 diễn viên đến từ 20 đơn vị nghệ thuật chèo, tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp trong cả nước. Đây là cơ hội để các nghệ sĩ, diễn viên gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm để tiếp tục bảo tồn, giữ gìn và phát huy những tinh hoa của nghệ thuật truyền thống, tìm tòi, phát hiện những sáng tạo mới trong lao động nghệ thuật.