Cho dù tính phổ quát chưa cao, nhưng tuồng Huế vẫn có một khoảng cách khá xa so với tuồng dân gian, khi đây là loại tuồng cung đình, mang tính cổ điển và bác học cao. NSND Nguyễn Nho Túy, người phụ trách đội tuồng cung đình Huế dưới triều vua Bảo Đại, từng bảo: Diễn xuất tuồng trong chốn cung đình có những quy định hết sức khắt khe. Nếu ở sân đình hoặc ở rạp hát nhân dân, diễn viên tuồng chỉ chịu “hình phạt” của các tay cầm chầu thì khi biểu diễn trên sân khấu cung đình, họ phải chịu “hình phạt” có khi bằng cả tính mạng nếu sơ suất “phạm thượng”. Điều đó đòi hỏi nghệ thuật tuồng cung đình Huế phải thật chỉn chu, điêu luyện, hay nói cách khác là phải thật chuyên nghiệp, từ kịch bản đến nghệ thuật biểu diễn của nghệ sĩ.

Đó cũng là điều lý giải không phải ngẫu nhiên mà tuồng Huế với tên dân gian thường gọi là hát bội Huế được so sánh với kịch Noh, bộ môn nghệ thuật truyền thống của Nhật Bản. Đáng nói là, trong khi hát bội Huế đang gặp khó thì bất chấp làn sóng phim ảnh và nhạc trẻ ngày càng phát triển, kịch Noh vẫn được yêu mến và gìn giữ. Cách nay 50 năm, Nhật Bản thông qua Luật Chấn hưng các ngành nghề truyền thống; trong đó, các diễn viên lâu năm được công nhận là nghệ nhân quốc bảo. Chính phủ Nhật Bản còn cho xây dựng Nhà hát kịch Noh Quốc gia. Kịch Noh còn được đưa vào chương trình học phổ thông. Có thể, cũng chính từ nỗ lực đó mà nghệ thuật Noh của Nhật Bản hiện diễn y nguyên như 800 năm trước mà người xem vẫn đông. Đó cũng là niềm tin cho hát bội Huế khi Nhà hát Nghệ thuật Cung đình Huế dù rất khó khăn nhưng vẫn cương quyết không dàn dựng những vở diễn chạy theo thị hiếu tầm thường, không biến tuồng thành kịch, “gieo vừng ra ngô”.

Tại Festival Nghề truyền thống Huế 2023, xem người dân và du khách háo hức cùng chương trình quảng diễn đường phố, lấy ý tưởng phô diễn sắc màu văn hóa truyền thống các làng nghề Huế, mạnh dạn và táo bạo đưa cả hình ảnh thuyền “bơi” giữa đường phố Huế là sự sáng tạo tạo nên một sắc màu riêng biệt và độc đáo, tôi lại nhớ đến hát bội Huế. Cũng vào tầm này năm ngoái, trong khuôn khổ Festival Huế 2022, lần đầu tiên hội rước mặt nạ hát bội được tổ chức. Đội hình hàng trăm diễn viên mang mặt nạ hát bội đủ màu sắc, hóa thân thành những nhân vật hát bội quảng diễn trên đường phố Huế. Trong sự phấn khích, nhiều người đã gọi đó là lần hiếm hoi hát bội Huế “xuất cung”, hay thật dân dã là “hát bội Huế xuống phố”.

Khi mà vì nhiều lý do khác nhau, hát bội không có được “thị trường người xem” hay đang dần bị rơi vào quên lãng thì “bài học từ Noh” hay thông qua Festival Huế để “đưa hát bội xuống phố” là cách để bộ môn nghệ thuật này trở lại với công chúng. Theo NSND Bạch Hạc, với việc công chúng thấy được những mặt nạ tuồng, thưởng thức các trích đoạn tuồng cổ là cách quảng bá và giới thiệu hình ảnh tuồng lâu nay vắng bóng. Buổi sáng năm ngoái, khi chứng kiến các đoàn nghệ sĩ biểu diễn trên phố, nhiều người dân lớn tuổi tại Huế đã bày tỏ cảm xúc bồi hồi, nhớ lại những năm tháng ngồi xem hát bội. Còn với những người trẻ, đây là một hoạt động nghệ thuật thú vị, giúp họ biết thêm về văn hóa Huế.

Người Huế đã có sự đổi thay trong gìn giữ, bảo tồn và lan tỏa những giá trị văn hóa và cũng như bao người, tôi đang có tâm trạng chờ đợi được xem hát bội - tuồng cổ “xuất cung” trước khi có nhiều sân khấu được mở ra.

Đan Duy