leftcenterrightdel
Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm G7 tại Hội nghị ở Niigata, Nhật Bản, ngày 12/5/2023. Ảnh: Kyodo/TTXVN 

Trong dự thảo, các lãnh đạo tài chính G7 cũng kêu gọi sự cần thiết phải “tiếp tục cảnh giác, nhanh nhẹn và linh hoạt” trong việc hướng dẫn chính sách, giữa bối cảnh không chắc chắn về triển vọng kinh tế toàn cầu như hiện nay.

Cũng theo Reuters, dự thảo không đề cập đến bế tắc trần nợ công của Mỹ - vấn đề được cho là đang làm gia tăng lo ngại về suy thoái kinh tế của nước này và sẽ gây ra những “tác động nghiêm trọng” đến kinh tế toàn cầu.

Về khủng hoảng của hệ thống ngân hàng, các nhà lãnh đạo tài chính của nhóm G7 dự kiến sẽ tái khẳng định niềm tin về sự ổn định tài chính toàn cầu, nhấn mạnh hệ thống tài chính “kiên cường” nhờ các cải cách điều tiết tài chính được thực hiện sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Theo Reuters, các nhà lãnh đạo tài chính G7 sẽ phát hành một tuyên bố chung trong hôm nay (13/5), sau Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương G7 diễn ra từ 11-13/5 tại thành phố Niigata của Nhật Bản. Tuyên bố chung tóm tắt các cuộc đàm phán trong những ngày qua sẽ được công bố để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G7 do Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida chủ trì vào tuần tới.

Được biết, Trung Quốc là một trong những chủ đề được bàn thảo nhiều trong hội nghị các nhà lãnh đạo tài chính G7, trong đó Nhật Bản - Chủ tịch G7 năm nay đang dẫn đầu những nỗ lực mới để đa dạng hóa chuỗi cung ứng và giảm sự phụ thuộc vào Bắc Kinh.

Theo chương trình hợp tác, các nền kinh tế G7 sẽ cung cấp viện trợ cho các nước thu nhập thấp và trung bình để có thể giúp các nước này đóng vai trò lớn hơn trong chuỗi cung ứng cho các sản phẩm liên quan đến năng lượng, chẳng hạn như bằng cách tinh chế khoáng sản và chế biến các bộ phận sản xuất.

“Đa dạng hóa chuỗi cung ứng có thể góp phần bảo vệ an ninh năng lượng và giúp duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô”, thông cáo dự thảo cho biết. Theo đó, G7 sẽ làm việc với các quốc gia quan tâm và các tổ chức quốc tế có liên quan nhằm có thể ra mắt kế hoạch vào cuối năm nay.

Ngoài ra, một cuộc họp chung của các lãnh đạo tài chính với các bộ trưởng y tế G7 cũng được tổ chức ở Nagasaki trong ngày 13/5 để xây dựng một cơ chế tài chính có thể chuẩn bị và đáp ứng tốt hơn cho các đại dịch trong tương lai.

Nhóm G7 là diễn đàn của 7 quốc gia có nền kinh tế phát triển lớn nhất thế giới, bao gồm Anh, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Mỹ, và Canada. Chức chủ tịch G7 được các quốc gia thành viên lần lượt nắm giữ. Liên minh châu Âu đôi khi được coi là thành viên thứ 8 của G7, có đầy đủ mọi quyền và trách nhiệm của thành viên G7, ngoại trừ việc chủ trì hoặc tổ chức các cuộc họp.

BẢO NGHI (Lược dịch từ Reuters)