ThS.BSCKII. Trương Thị Lan Hương, Chi cục Trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh |
Thưa bà, đợt kiểm tra nhân “Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm” năm nay chú trọng vào những lĩnh vực gì?
Như mọi năm, Tháng hành động Vì ATTP bắt đầu từ 15/4-15/5. Chủ đề của tháng hành động năm nay là “Đảm bảo an toàn, an ninh thực phẩm trong thời kỳ mới”. Ngoài các hoạt động như mọi năm, chúng tôi tham mưu cho Ban chỉ đạo tỉnh đi sâu đánh giá về chất lượng các sản phẩm, thực phẩm xuất nhập khẩu.
Trước tiên, chúng tôi kiểm tra các cơ sở cung cấp nguyên liệu phục vụ sản xuất chế biến thực phẩm trên địa bàn hoặc những cơ sở cung cấp lượng thực phẩm lớn cho các trường học bán trú, các bếp ăn tập thể, nhà hàng. Song song với đó là lồng ghép kiểm tra, giám sát hoạt động lễ hội có quy mô từ huyện đến tỉnh.
Năm nay, sau Festival Nghề truyền thống Huế 2023, không ghi nhận các sự cố nào về vi phạm an toàn, an ninh thực phẩm trên địa bàn. Điều đó chứng minh nếu có chuẩn bị, có sự kiểm tra, nhắc nhở, có tuyên truyền thì việc đảm bảo sức khỏe cho người dân, người tiêu dùng tốt hơn và chỉnh chu hơn. Đây là những kinh nghiệm qua nhiều năm và cũng là định hướng cho hoạt động sau này.
Sau một thời gian kiểm tra, thực địa, đoàn có những đánh giá ban đầu như thế nào?
Hiện, chúng tôi tiếp tục kiểm tra một số cơ sở lớn, vẫn chưa thấy có biểu hiện vi phạm về kinh doanh, an ninh, an toàn thực phẩm. Hàng hóa xuất nhập khẩu các đơn vị kinh doanh đều có giấy tờ xuất xứ rõ ràng. Trong quá trình kiểm tra, nếu có nghi ngờ, chúng tôi sẽ yêu cầu cơ sở cung cấp. Trường hợp cần thiết sẽ lấy mẫu để kiểm định, làm căn cứ sau này trả lời cho các doanh nghiệp.
Kiểm tra xuất xứ, thông tin hàng hóa phục vụ cho các khách sạn tại một cơ sở kinh doanh |
Vẫn có một số DN sai phạm trong quá trình thực hiện các tiêu chí về ATVSTP. Những vi phạm này được xử lý ra sao?
Vẫn còn tình trạng vi phạm về điều kiện VSATTP. Chẳng hạn tại thời điểm kiểm tra, cơ sở không đáp ứng được thì chúng tôi yêu cầu họ thực hiện kèm báo cáo bằng hình ảnh. Nếu sai phạm nhỏ chưa đến mức xử lý, đoàn cảnh cáo, nhắc nhở. Nếu họ vi phạm các quy định, đoàn kiểm tra sẽ hướng dẫn cách khắc phục; yêu cầu cam kết thực hiện. Nếu sai phạm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân thì mức độ xử lý sẽ căn cứ vào luật định. Làm như vậy vừa có tính răn đe, vừa có tính giáo dục để các cơ sở hình thành thói quen đảm bảo ATVSTP bởi ý thức mới quan trọng nhất.
Theo đánh giá chung, các cơ sở đã thấy được tầm quan trọng của việc đảm bảo ATVSTP, bởi đây là yếu tố sống còn gắn liền với thương hiệu kinh doanh. Giữa các khâu cung ứng ràng buộc, liên đới lẫn nhau nên họ đã ý thức trong việc đảm bảo nguồn gốc, giấy tờ chứng minh sản phẩm…
Thưa bà, tại lễ phát động Tháng hành động Vì ATTP, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Nguyễn Thanh Bình yêu cầu công khai các đơn vị vi phạm trên các phương tiện. Việc này chúng ta đã từng thực hiện hay chưa?
Những phát hiện nào ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân đều có công khai và cảnh báo. Việc này là đương nhiên. Đơn cử trước đây, trong vụ việc ớt có phẩm màu, chúng tôi đưa ra cảnh báo và hướng dẫn trên các phương tiện truyền thông cách thức mua sản phẩm đảm bảo an toàn, mua ở đâu, xem công bố chất lượng nội dung ra sao. Hay vụ pate Minh Chay cách đây 2 năm trước, ngành không những ra thông báo thu hồi mà còn cảnh báo mọi người không sử dụng sản phẩm này…
Bà nhận xét như thế nào về tính chủ động của các DN trong việc thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng cao đến người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh hiện nay?
Đây là vấn đề xây dựng chuỗi cung ứng từ sản xuất cho đến người tiêu dùng và là xu hướng hiện nay. Nhìn một cách toàn diện, có chuỗi cung ứng sản xuất, người dân hưởng lợi về chất lượng sản phẩm; ngành chức năng cũng dễ dàng truy xuất nguồn gốc. Một số DN đã và đang triển khai thông tin chuỗi cung ứng thực phẩm bởi đó là cách xây dựng, khẳng định thương hiệu.
Cùng với ngành nông nghiệp, ngành y tế chú trọng thêm việc giám sát định kỳ các sản phẩm, nguyên liệu hỗ trợ cho hoạt động nói trên.
“Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Theo đó, cơ sở của ngành nào quản lý thì ngành đó chịu trách nhiệm kiểm tra. Đối với liên ngành, chúng tôi lựa chọn đơn vị kiểm tra tuỳ thuộc chủ đề. Đoàn liên ngành sẽ hội ý trước khi kiểm tra thực tế những cơ sở nhằm đảm bảo hoạt động hiệu quả, sâu sát để vừa quản lý, vừa tạo điều kiện cho cơ sở hoạt động trong hành lang pháp lý”. |
Việc áp dụng công nghệ thông tin hoặc số hóa trong quản lý VSATTP tại địa bàn hiện đã triển khai như thế nào, có khó khăn gì không thưa bà?
Về phía Chi cục, hoạt động số hóa đã định hướng từ lâu. Cho đến thời điểm hiện tại, đơn vị quản lý tất cả cơ sở bằng các mã số trên phần mềm quản lý. Với phần mềm này, thông tin từ cơ sở được tổng hợp nhanh, tiện lợi hơn.
Sắp tới, chúng tôi sẽ chia sẻ về VSATTP trên nền tảng Hue-S thông tin cơ sở đảm bảo đủ điều kiện, sản phẩm đó được công bố đủ tiêu chuẩn… để bất kỳ người dân nào cũng có thể tham khảo, tra cứu.
Chi cục đang thực hiện Đề án Mở rộng ứng dụng số hóa trong việc quản lý các hoạt động về ATTP. Mô hình này đã xây dựng trong 3 năm và đang mở rộng cập nhật tùy thuộc mức độ đầu tư.
ATVSTP là trách nhiệm của mọi người, mọi nhà, vậy người dân đóng vai trò như thế nào trong việc góp phần ngăn chặn vi phạm ATTP trong cộng đồng?
Luật An toàn thực phẩm quy định rõ việc người dân có quyền thông tin, báo cáo khi họ phát hiện các sự cố về an toàn thực phẩm… Những phản ánh của người dân chúng tôi sẽ xử lý ngay bằng cách thành lập các đoàn liên quan đi kiểm tra hoặc có thể lấy mẫu kiểm định. Hoạt động này diễn ra thường quy. Bình quân mỗi năm chúng tôi tiếp nhận vài vụ việc như vậy.
Nếu không phát hiện vấn đề gì, đơn vị sẽ thông báo cho người phản ảnh. Cơ sở nào vi phạm, chúng tôi sẽ tiến hành xử phạt. Thực tế trường hợp từng bị xử phạt nhiều nhất là 8 triệu đồng.
Xin cảm ơn bà!