Bìa cuốn sách |
Vậy mà thật bất ngờ, tôi vừa gặp lại bà lão 88 tuổi này tại Huế, sau mấy ngày bà từ TP. Hồ Chí Minh trở lại A Lưới thăm những nhân vật mà bà đã gặp phỏng vấn, tìm hiểu đời sống của những nạn nhân chất độc da cam trong 7 lần bà lên A Lưới trước đây; đồng thời, để thấy tận mắt những thay đổi của A Lưới hôm nay. Người “vệ sĩ” tháp tùng bà lên A Lưới và giúp bà hoàn chỉnh bản thảo trên máy vi tính là Anh Thư – cô con gái công tác ở Hà Nội, phải bay vô Huế và cùng bà lên A Lưới. Một nhân vật nữa nhiệt tình ủng hộ bà ra cuốn sách đặc biệt này là Quỳnh Tường, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ A Lưới. Chị đã cung cấp nhiều ảnh giới thiệu sự đổi thay của A Lưới trong thời gian gần đây. Cuốn sách in khổ lớn 20x28 gồm đến 20 bài viết và hơn trăm bức ảnh chụp trong nhiều giai đoạn, nên việc trình bày, hoàn chỉnh bản thảo không hề đơn giản. Vậy nên vừa gặp tôi, bà Đạm Thư thốt lên vui vẻ: “Cuốn sách coi như đã xong anh ạ. Tôi quá mừng thấy bà con dân tộc A Lưới ngày nay sống văn minh, kinh tế phát triển khá lắm…”.
Thật hiếm có người nào có cuộc đời khác biệt và sống xa cách với đồng bào A Lưới, lại hết lòng quan tâm đến vùng cao này như bà Đạm Thư. Bà từng là một tiểu thư tham gia hoạt động ủng hộ cuộc kháng chiến khi đang là nữ sinh Trường Đồng Khánh (Hà Nội) rồi du học Pháp, trở về nước công tác truyền thông nhiều năm cho Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Cũng do giỏi ngoại ngữ, quen giao tiếp với nhiều nhà báo quốc tế, nên hai tổ chức CEDRATE (Nghiên cứu và hành động chống những chấn thương hồi chiến tranh) do các trí thức Pháp tổ chức và CGFED (Nghiên cứu về giới, gia đình và môi trường trong phát triển ở Hà Nội) khi quyết định vào A Lưới nghiên cứu đã mời bà làm phiên dịch, liên hệ với bà con địa phương, bắt đầu từ năm 2002. Ban đầu là vậy, nhưng bà không ngờ mình lại gắn bó với vùng đất này như vậy. Bà quyết tâm làm cuốn sách vì “cảm nhận thấy quỹ thời gian sống của mình không còn bao lâu, trong khi những kỷ niệm sâu về vùng A Lưới… nặng lòng không thể quên vì thời gian trải dài 10 năm…”.
Trong cuốn sách, bà đã cho in lại các bài phóng sự và phỏng vấn các cựu chiến binh, các già làng, các nữ thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, giao liên… kèm ảnh minh họa, giúp bạn đọc hôm nay hiểu rõ hơn sự hy sinh vô bờ của bà con các dân tộc A Lưới trên một địa bàn chiến tranh khốc liệt. Bà và các chuyên gia Pháp đã gặp già làng Quỳnh Hiêm trên 100 tuổi; “cụ suốt ngày chỉ đóng khố và cởi trần… nói mãi cụ mới chịu mặc chiếc áo phông, vẫn đóng khố để lộ cặp đùi săn nâu bóng… Cụ ung dung ngồi bó gối kể rành rọt với trí nhớ tuyệt vời như một cuốn từ điển sống… Cụ tự hào đã làm già làng hơn 20 năm, ủng hộ cách mạng, kêu gọi bà con đóng góp sức người, sức của cho bộ đội…”.
Cụ là nhân chứng trong cuộc khủng bố kinh hoàng của bọn lính Pháp 50 năm trước đây. Nay 6 người con trai có nhà gỗ xung quanh nhà cụ, trong đó người con thứ 4 của cụ hiện là công an ở thị trấn, có vợ là bà Nguyễn Thị Sửu, tiến sĩ ngôn ngữ học, đại biểu Quốc hội khóa XV… Còn già làng Hồ Ki (bố của ông Hồ Xuân Chêm, Trưởng ban Dân số và kế hoạch hóa gia đình A Lưới) dân tộc Pa Cô, 80 tuổi, từng “chỉ huy voi vận tải súng đạn cho bộ đội do nhu cầu cấp bách khi chưa có đường ô tô tài súng đạn vào Nam. Cụ đã tặng bộ đội 2 con voi nhà… Cụ thở dài nhớ tiếng hổ gầm, voi hí trong rừng khuya. Vùng này trước có 10 con voi vận tải, song chúng dần dần chết hết vì bom đạn… Khi sắn chín, cụ bà đã dỡ sắn ra rá mời chúng tôi cùng ăn bữa tối với hai cụ. Đây là bữa sắn ngon nhất trần đời đối với tôi…”.
Trong chuyến trở lại A Lưới lần này, bà Đạm Thư đã tìm gặp lại anh hùng Kan Lịch mà bà đã gặp lần đầu trong chuyến lên A Lưới năm 2004. Trong bài “Kan Lịch, bảy lần được gặp bác Hồ - Chuyện đời tự kể”, nữ anh hùng đã phác họa bối cảnh cuộc chiến đấu ở A Lưới mà bà đã tham gia; đến năm 1968, khi bị sốt rét ác tính phải chuyển ra Hà Nội cứu chữa, Bác Hồ nhấn mạnh: “Cháu phải ở lại miền Bắc tiếp tục học tập chính trị và văn hóa. Không nâng cao trình độ làm sao cháu có thể giúp ích cho đồng bào trong tương lai được hiệu quả…”. Hai người con của anh hùng - Hồ Thị Kim Thắng và Hồ Văn Lợi - đều tốt nghiệp đại học, có công việc ổn định…
Cũng trong chuyến trở lại A Lưới cuối tháng 3/2023, bà đã đến thăm gia đình Quỳnh Thu, dân tộc Tà Ôi, tham gia bộ đội từ 1965, năm 1972 là đại đội phó, chính trị viên ở vùng A Lưới. Ông có hai người con trai nhiễm chất độc da cam đã mất sớm, dù gia đình và bệnh viện hết lòng cứu chữa. Điều an ủi là ông còn một người con trai sinh năm 1983 khỏe mạnh, hiện là sĩ quan biên phòng… Bà Đạm Thư đã gặp phỏng vấn ông năm 2004, nay trở lại thì ông đã mất năm 2013 do bị ung thư gan…
Có lẽ cũng cần nói thêm, nội dung chủ yếu trong những bài viết kể trên, sau khi bà Đạm Thư và cộng sự dịch ra tiếng Pháp, đã được đưa vào cuốn sách do ông J. Maitre chủ biên, ra mắt tại Paris tháng 10/2013. Ông J. Maitre là chủ nhiệm nghiên cứu ở CNRS - Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp, là bạn của bà Nguyễn Thị Bình từ khi bà sang Paris dự Hòa đàm về Việt Nam. Ông dù tuổi cao (mất 2013, thọ 88 tuổi) đã cùng bà Đạm Thư lên A Lưới mấy lần từ năm 2002…
Thật tiếc là khi cuốn sách này hoàn thành được gửi sang Pháp thì ông J. Maitre không còn nữa để thấy những hình ảnh tươi đẹp đầy sức sống ở A Lưới mà ông cùng những người bạn quý của Việt Nam từng kỳ vọng được in phần sau cuốn sách - những trẻ em Trường mầm non A Lưới ca hát, các em học sinh cấp 3 sinh hoạt văn nghệ ở hạ lưu thác A Nôr, phụ nữ A Lưới dệt Dèng, nghệ nhân Mai Thị Hợp quảng bá đặc sản Dèng tại Nga…
Cuốn sách in lần đầu do tác giả tự “đầu tư” nên số lượng và công nghệ in có hạn. Thiết nghĩ, các cơ quan hữu quan của tỉnh không khó để tìm được nguồn tài trợ để tái bản cuốn sách khá đặc biệt này với chất lượng cao hơn, số lượng nhiều hơn để cuốn sách có thể đến với bạn đọc rộng rãi - trong đó có đồng bào A Lưới…