Đã bước sang hè nhưng các đợt không khí lạnh vẫn tràn về. Xen giữa các đợt không khí lạnh là những đợt nắng nóng khốc liệt, có nơi ghi nhận lên đến 44 độ.

Các trận mưa do ảnh hưởng không khí lạnh cũng không bình thường. Như trận mưa vào chiều 12/5 vừa qua trên địa bàn tỉnh là đặc biệt lớn. Nhiều đoạn đường nước rút không kịp ngập đến nửa bánh xe. Rất may, mưa lớn không kéo dài và phần lớn diện tích lúa đông xuân đã được thu hoạch, số diện tích còn lại tuy có gãy đổ nhưng tổng thể không bị thiệt hại lớn. Trước đó, hôm 7/5, dự báo thời tiết diễn biến bất thường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh đã triệu tập buổi họp chỉ đạo công tác thu hoạch lúa vụ đông xuân; yêu cầu các địa phương, nông dân tập trung máy móc, nhân lực khẩn trương thu hoạch lúa để tránh thiệt hại đến năng suất, sản lượng...

Thực tế những tháng vừa qua cho thấy, trời tuy có mưa nhưng không nhiều, nước rút nhanh, lại phân bố không đều, nên đã xảy ra tình trạng thiếu nước cho sản xuất, sinh hoạt tại nhiều địa phương. Một số hồ chứa, hồ thủy điện ở một số tỉnh, thành mực nước đang xuống thấp.

Theo nhận định của Tổng cục Khí tượng thủy văn, thời tiết từ nay đến cuối năm 2023 có nhiều bất lợi. Hiện tượng El Nino khiến nắng nóng tăng cường độ, nhiệt độ tăng cao, bất thường; sẽ không có quá nhiều mưa, các cơn bão bất thường hơn và khó đoán hơn...

Để đảm bảo đời sống sinh hoạt, sản xuất cho người dân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có Công điện về chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Trong đó,Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chủ động chỉ đạo, triển khai quyết liệt các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, không để thiếu nước cho sinh hoạt, thủy điện và ảnh hưởng tới sản xuất, nhất là đối với các lĩnh vực trọng yếu...

Đây là một trong những nhiệm vụ khẩn trương, cấp bách trong điều kiện thời tiết bất lợi vẫn đang tiếp tục diễn ra, không chỉ trong năm nay mà có thể kéo dài trong nhiều năm tới. Trước mắt, cần triển khai các biện pháp cần thiết để trữ nước, ngăn mặn, để đảm bảo nước sản xuất cho vụ hè thu; đồng thời, đảm bảo nguồn nước cho sản xuất, sinh hoạt cho người dân... Về lâu dài, cần tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi, đê bao, không chỉ cho việc chống hạn, mặn mà còn để tiêu úng, mỗi khi mưa lớn đột xuất có thể xảy ra, như trận mưa lớn từ ngày 14-15/2 đã làm ngập hơn 2.200ha lúa đầu vụ đông xuân trên địa bàn tỉnh...

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thời tiết cực đoan là hậu quả từ nguyên nhân của sự biến đổi khí hậu. Nhiều biện pháp mang tính toàn cầu để chống biến đổi khí hậu như: Hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch và tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế; sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng; ngăn chặn nạn phá rừng... đã được nhiều quốc gia hưởng ứng. Tuy nhiên, đây là cuộc chiến dài lâu, không thể một sớm, một chiều; nên việc chủ động để thích ứng như chuyển đổi sang các mô hình sản xuất và sinh hoạt thích hợp với điều kiện khí hậu, đất đai, sinh thái mới; sử dụng các giống cây trồng vật nuôi có khả năng chịu mặn cao, các giống ngắn ngày tránh lũ; cũng như đảm bảo cơ sở hạ tầng để duy trì sản xuất kinh doanh trong điều kiện thời tiết cực đoan là rất cần thiết hiện nay.

ĐẶNG THÀNH