leftcenterrightdel
 Các doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ để mở rộng thị trường kinh doanh. Ảnh minh hoạ: Báo Thanh Niên

Cụ thể, báo cáo Triển vọng kinh doanh mới nhất do Ngân hàng United Overseas Bank (UOB) công bố, trong đó khảo sát hơn 4.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực, cũng như các doanh nghiệp lớn khác ở châu Á cho thấy, hơn 4/5 doanh nghiệp đang có kế hoạch mở rộng ra nước ngoài trong vòng 3 năm.

Các công ty ở Indonesia, Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam đang tìm cách tăng doanh thu và lợi nhuận trên phạm vi quốc tế, trong khi điều này lại ít xảy ra hơn đối với các doanh nghiệp ở Hongkong, Malaysia và Singapore.

Khoảng một nửa số người được hỏi cho biết, Singapore là một quốc gia quan trọng ở Đông Nam Á để mở rộng kinh doanh, lựa chọn tiếp theo là Thái Lan, với 45% và Malaysia cũng với tỷ lệ lựa chọn tương tự. Gần 80% số người được hỏi cho biết môi trường kinh doanh hiện tại trong khu vực là môi trường tích cực.

Chỉ 1 trong 4 công ty muốn mở rộng ra ngoài khu vực châu Á.

Theo lĩnh vực, các công ty trong lĩnh vực công nghiệp, dầu khí (chiếm 88%) tỏ ra quan tâm nhất đến việc mở rộng ra thị trường nước ngoài, theo sau đó là các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại buôn bán, công nghệ, truyền thông và viễn thông.

Báo cáo cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp đều cần hỗ trợ nhiều hơn để mạo hiểm mở rộng ra thị trường nước ngoài, đặc biệt là khi họ cho rằng doanh nghiệp có thể đối mặt với một số thách thức bao gồm thiếu nhân tài nội bộ, khó tìm được đối tác phù hợp để làm việc cùng, thiếu sự tuân thủ pháp luật và quy định, cũng như hỗ trợ thuế…

“Các doanh nghiệp ở Trung Quốc muốn kết nối với các đồng nghiệp trong ngành và tiếp cận với các phân tích và thông tin chuyên sâu về kinh doanh. Mặt khác, các công ty ở Đông Nam Á lại yêu cầu nhiều ưu đãi hơn về thuế và các lựa chọn tài chính bền vững”, Eric Lian, người đứng đầu Nhóm ngân hàng thương mại tại UOB cho biết.

Khoảng 60% doanh nghiệp vừa và nhỏ được khảo sát chỉ ra rằng, chuỗi cung ứng của họ đã bị ảnh hưởng bởi những căng thẳng địa chính trị đang diễn ra.

Báo cáo lưu ý: “Các công ty đang cảm thấy sức nóng từ tác động của lạm phát toàn cầu đối với chi phí nguồn cung của họ và những thách thức trong việc tìm nhà cung cấp”.

Bên cạnh đó, gần 30% số người được hỏi đang cố gắng đa dạng hoá chuỗi cung ứng doanh nghiệp, đầu tư vào việc xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn với các nhà cung cấp và khai thác phân tích dữ liệu để giúp các doanh nghiệp trong vấn đề ra quyết định.

Cũng theo nghiên cứu, khoảng 90% doanh nghiệp tin rằng tính bền vững là quan trọng, nhưng chỉ 45% số doanh nghiệp được hỏi đã thực hiện các hoạt động bền vững. Hơn một nửa số doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Thái Lan và Việt Nam đã áp dụng các thông lệ bền vững, trong khi đó, chỉ 38% số doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Singapore áp dụng những thông lệ này.

Khi thực hiện các hoạt động bền vững, những doanh nghiệp được hỏi cho biết, mối quan tâm lớn nhất của họ là chi phí gia tăng đối với khách hàng và tác động của nó đối với lợi nhuận và doanh thu của họ.

Ông Eric Lian nhận xét: “Là một ngân hàng hàng đầu ở Đông Nam Á, chúng tôi có trách nhiệm thu hút các bên liên quan trong khu vực và tăng cường nỗ lực giúp các doanh nghiệp chuyển đổi sang phát triển bền vững. Chúng tôi sẽ tiếp tục đơn giản hoá việc tiếp cận nguồn tài chính bền vững cho các công ty đang tìm cách tăng cường năng lực môi trường, xã hội và quản trị, cũng như phát triển hoạt động kinh doanh”.

Đan Lê (Lược dịch từ Bangkok Post)