Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (thứ hai từ phải sang) công bố logo Hội nghị thượng đỉnh G7. Ảnh: AP/TTXVN |
Trong một cuộc phỏng vấn với Kyodo News và các cơ quan truyền thông khác tại văn phòng thủ tướng, ông Kishida cho biết G7 “sẽ gửi đi một thông điệp mạnh mẽ để hiện thực hóa một thế giới không có vũ khí hạt nhân và sẽ tiến hành đều đặn những nỗ lực cụ thể và thực tế hơn”.
Được biết, Thủ tướng Kishida sẽ chủ trì Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra trong 3 ngày từ 19/5-21/5 tại thành phố Hiroshima, nơi đã bị tàn phá bởi một quả bom nguyên tử của Mỹ vào năm 1945. Dự kiến, các nhà lãnh đạo G7 sẽ đến thăm Bảo tàng Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima - nơi ghi lại những câu chuyện và lưu giữ những tàn tích về lần sử dụng vũ khí hạt nhân đầu tiên trên thế giới trong chiến tranh, và gặp gỡ những người sống sót sau vụ việc – thường được gọi là hibakusha ở Nhật Bản.
“Chuyển tải thực tế của một cuộc tấn công hạt nhân có vai trò quan trọng như một điểm khởi đầu cho tất cả các nỗ lực giải trừ hạt nhân”, Thủ tướng Kishida nhấn mạnh.
Theo Kyodo News, vào ngày khai mạc hội nghị thượng đỉnh, Thủ tướng Kishida sẽ chào đón các nhà lãnh đạo của các quốc gia thành viên G7 - bao gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản và Mỹ, cùng với Liên minh châu Âu, tại Công viên Tưởng niệm Hòa bình - được xây dựng để tưởng nhớ các nạn nhân gần nơi quả bom hạt nhân phát nổ.
Thủ tướng Kishida cũng cho biết G7 sẽ tìm cách gửi thông điệp mạnh mẽ tới thế giới về việc bảo vệ trật tự quốc tế, đồng thời các nhà lãnh đạo cũng sẽ thảo luận về các vấn đề từ năng lượng, an ninh lương thực đến biến đổi khí hậu. Thủ tướng Kishida nhấn mạnh rằng để giải quyết những vấn đề đó, nhóm cần hợp tác đầy đủ với toàn thế giới, bao gồm cả “phía Nam toàn cầu” (Global South) - một thuật ngữ chỉ chung các quốc gia đang phát triển và mới nổi ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latin.
Bên cạnh các thành viên G7, Australia, Brazil, Comoros, Cook Islands, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc và Việt Nam cũng được mời tham dự hội nghị với tư cách khách mời.
Trong lĩnh vực công nghệ, Thủ tướng Kishida nói rằng Nhật Bản dự định sẽ đóng vai trò hàng đầu trong các cuộc tranh luận về cách sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) một cách có trách nhiệm. Nước này cũng sẽ khởi động “Quy trình AI của Hiroshima”, bao gồm việc tạo ra các quy tắc quốc tế trong lĩnh vực công nghệ tiên tiến này, trong bối cảnh nhiều chính phủ trên thế giới đang nỗ lực khai thác các công nghệ đang phát triển nhanh chóng như AI bot ChatGPT, đồng thời giảm thiểu rủi ro đối với quyền riêng tư và giải quyết các mối lo ngại khác.
Giữa những đồn đoán về việc Thủ tướng Kishida có thể giải tán Hạ viện để tổ chức một cuộc bầu cử nhanh chóng sau hội nghị thượng đỉnh, ông Kishida đã phủ nhận khả năng này trong hiện tại và tuyên bố “sẽ quyết định một cách phù hợp dựa trên tình hình trong tương lai”.