Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng sẽ tạo động lực phát triển lớn cho Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô |
Thực tế, tiềm năng KKT Chân Mây - Lăng Cô mang tầm quốc gia; là một trong 18 KKT ven biển của Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ thành lập, hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam; có vị trí địa lý thuận lợi trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và khu vực hành lang kinh tế Đông - Tây.
Sau Quy hoạch chung xây dựng KKT Chân Mây – Lăng Cô đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2008 thì trong quá trình phát triển KKT, tỉnh luôn bám sát theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và đạt được những kết quả nhất định trong xây dựng kết cấu hạ tầng, thực hiện các dự án của nhà đầu tư.
Hiện nay, tại KKT này đã hình thành các khu du lịch có quy mô lớn, có thương hiệu quốc tế như Laguna Lăng Cô đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương kinh doanh casino; hệ thống hạ tầng cảng biển Chân Mây được phát triển, đã khai thác tuyến hàng container đánh dấu việc mở ra dịch vụ vận tải mới, góp phần thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, kết nối cảng biển Chân Mây với các bến cảng nội địa và quốc tế,…; hình thành các quỹ đất tại khu đô thị, khu công nghiệp, khu cảng Chân Mây sẵn sàng thu hút các nhà đầu tư, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.
Cảng Chân Mây có tiềm năng rất lớn trong việc phát triển kinh tế |
Từ khi thành lập, diện mạo của KKT Chân Mây - Lăng Cô có nhiều thay đổi. Các tuyến đường giao thông, hệ thống cấp nước, cấp điện, thông tin liên lạc,… và các công trình xã hội như Bệnh viện đa khoa Chân Mây, chợ, trường học, các khu tái định cư đã được đầu tư đồng bộ, đời sống của người dân trên địa bàn được cải thiện.
Song song đó, việc thu hút đầu tư cũng được tỉnh quan tâm, đến nay thu hút 56 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 81.000 tỷ đồng, trong đó có 14 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 2,6 tỷ USD...
Vậy, những chuyển động đó đã tương xứng với tiềm năng? Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương thẳng thắn nhìn nhận, việc phát triển KKT Chân Mây – Lăng Cô vẫn chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của tỉnh cũng như Trung ương.
Hiện, một số dự án tại đây chậm triển khai so với tiến độ đăng ký, thiếu các dự án động lực về công nghiệp, đô thị; nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, một số chính sách ưu đãi đầu tư chưa thực sự ổn định, nhất quán; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn chậm, nhiều vướng mắc phát sinh, việc chuẩn bị mặt bằng sạch và thông tin dự án cho nhà đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu,…
Trước thực tế đó, việc định hướng quy hoạch chung xây dựng KKT Chân Mây - Lăng Cô sẽ tạo ra những giải pháp căn cơ. Các nghị quyết của HĐND tỉnh về thí điểm một số chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây cũng phần nào giúp khu vực này có sự phát triển đột phá.
Ngày 20/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 418/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT Chân Mây - Lăng Cô đến năm 2045 với mục tiêu phát triển thành khu vực kinh tế năng động, hoàn chỉnh về cơ cấu và chức năng; tạo lập môi trường đầu tư hấp dẫn, có khả năng cạnh tranh cao trong thu hút đầu tư.
Với định hướng này, công tác hoàn thiện phương án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT Chân Mây - Lăng Cô, đến năm 2045 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đóng vai trò quan trọng. Theo đó, tỉnh sẽ có kế hoạch cụ thể với việc mở rộng không gian phát triển công nghiệp để tạo quỹ đất thu hút các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng có quy mô lớn, có thương hiệu như, Tập đoàn VSIP, Tập đoàn đầu tư hạ tầng Phương Trang, Tổ hợp lắp ráp Kim Long Motors,… hình thành các mô hình phát triển công nghiệp mới để thu hút các dự án sản xuất kinh doanh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm.
Xác định lại các không gian phát triển của khu bến Chân Mây và định hình lại không gian phát triển đô thị Chân Mây cũng được tỉnh quan tâm...
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương, thời gian tới, tỉnh tập trung xác định các mục tiêu và giải pháp thực hiện cho quá trình xây dựng và phát triển KKT Chân Mây - Lăng Cô. Hoàn thành đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT; rà soát, điều chỉnh và lập mới các quy hoạch phân khu xây dựng phù hợp với yêu cầu phát triển, làm cơ sở để thu hút đầu tư và triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung quy hoạch được phê duyệt.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho KKT Chân Mây - Lăng Cô. Trong đó, tập trung đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng KKT, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu mới. Ngoài ra, sẽ chỉ đạo triển khai các dự án, công trình trọng điểm như: Laguna Lăng Cô giai đoạn 2 (có casino); khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motors Huế; bến số 4, 5 cảng Chân Mây; đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 2; khu dịch vụ logistics cảng Chân Mây”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh.
Những mục tiêu và nội dung đã được xác định, đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT Chân Mây - Lăng Cô nếu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ có ý nghĩa lớn, tạo động lực phát triển mới cho KKT, tăng hiệu quả sử dụng đất, tính hấp dẫn trong thu hút các dự án đầu tư, mang lại diện mạo mới nhằm tạo ra bộ mặt đô thị hiện đại để kết nối không gian phát triển giữa Huế và Đà Nẵng trong Vùng động lực miền Trung được xác định theo định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung.