leftcenterrightdel
TAND TP. Huế xét xử vụ án cố ý gây thương tích có nhiều trẻ vị thành niên phạm tội 

Suy nghĩ nông nổi, bồng bột, những thanh thiếu niên vừa chạm vào đời đã biến mình thành côn đồ, hăng máu hơn thua, được mất. Vụ án hình sự “Cố ý gây thương tích” vừa được Tòa án Nhân dân (TAND) TP. Huế xét xử đối với nhóm 11 thanh thiếu niên sử dụng hung khí để giải quyết mâu thuẫn mới đây là một ví dụ.

Trong vụ án này, có 4 bị cáo trong độ tuổi từ 14-16, 5 bị cáo là người dưới 18 tuổi, được xác định là “trẻ em” nhưng hành vi phạm tội không hề “ngây thơ”, tính chất của hành vi rất côn đồ, có tổ chức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, tính chất manh động, gây mất an toàn cho xã hội.

Theo hồ sơ vụ án, sáng 5/6/2022 tại một trường THPT thuộc TP. Huế, do tranh nhau xem số báo danh và địa điểm thi vào lớp 10 nên giữa em T. xảy ra mâu thuẫn với em B. Sau đó em T. gọi cho anh trai mình là Q. đến chở về.

Khi đến Q. đã tát 2 cái vào 2 người bạn nhóm của em B., sau đó B. vào can ngăn thì Q. rút dao từ túi quần phía sau ra dọa, đồng thời dùng tay không cầm dao đấm vào mặt B. một cái rồi Q. bỏ đi về. Sau đó, nhóm B. và nhóm T. tạo nhóm trên Facebook để nhắn tin thách thức nhau và hẹn sáng 6/6/2022 để giải quyết mâu thuẫn.

Nhóm của B. gồm 11 người mang theo 4 hung khí: 3 cây dao rựa tự chế dài khoảng 50cm, 1 gậy tam khúc bằng kim loại, 1 kiếm dài khoảng 80cm đi trên 4 xe mô tô tìm Q. Khi phát hiện Q. đang đứng nói chuyện với nhóm T. thì B. cùng một số đối tượng trong nhóm cầm một con dao tự chế chém nhiều nhát vào người Q. gây thương tích 36% cho Q.

Tại tòa, cơ quan tố tụng đã truy tố 11 bị can với 9 bị can có trợ giúp viên pháp lý trước tòa án để xét xử. Hội đồng xét xử đã tuyên án phạt bị cáo B. (16 tuổi) với 3 năm 6 tháng tù, 3 bị cáo khác từ 2-3 năm tù và 7 bị cáo được hưởng án treo.

Một vụ án khác cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho các bậc cha mẹ, nhà trường và xã hội trong việc quản lý, giáo dục con cháu. Vụ án gồm 9 bị cáo có tuổi đời từ 16-19 tuổi. Hội đồng xét xử tuyên T. 3 năm tù giam, các bị cáo khác từ 1 năm 6 tháng đến 2 năm 3 tháng và một số được hưởng án treo.

Theo cáo trạng, do có mâu thuẫn với một người tên “Long” qua mạng xã hội nên T. đã hẹn đánh nhau vào tối 14/7/2022. Sau đó, T. nhắn tin rủ thêm 8 người bạn khác đi đánh nhau và cả nhóm đồng ý.

Vào khoảng 22h10 ngày 14/7/2022, nhóm của T. chuẩn bị dao tự chế, ống tuýp sắt, các vỏ chai bia và phục kích nhóm của “Long” hai bên đường trước một trường tiểu học ở TP. Huế. Khi phát hiện nhóm của “Long” gồm 2 người đi trên xe máy tới điểm phục kích, những người trong nhóm của T. cầm vỏ chai bia ném về phía V. và Q., V. tránh được, còn Q. bị ném trúng vào bụng nên ngã xuống đường. Thấy Q. ngã xuống đường, người trong nhóm của T. ném tiếp vỏ chai bia về phía Q. làm Q. bị thương tích với tỷ lệ tổn thương cơ thể qua giám định là 50%.

Các bị cáo là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, nhận thức được hành vi dùng vỏ chai bia là hung khí nguy hiểm, gây thương tích cho người khác là vi phạm pháp luật. Nhưng do các bị cáo không chọn cách giải quyết mâu thuẫn bằng hòa giải mà giải quyết bằng việc đánh nhau nên dẫn đến việc phạm tội. Hành vi phạm tội của các bị cáo không những xâm hại trực tiếp đến đến sức khỏe của người khác, mà còn làm ảnh hưởng xấu đến an toàn, trật tự xã hội nên cần phải xử lý nghiêm.

Theo Trung tá Lê Ngọc Minh, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an TP. Huế, nguyên nhân chính của thanh thiếu niên phạm tội cố ý gây thương tích là do lối sống buông thả của bản thân các đối tượng cũng như thiếu sự quản lý, giáo dục của gia đình, phụ huynh. Hiện mạng xã hội kết nối thông tin mạnh mẽ, các đối tượng dễ dàng lập hội, nhóm rủ rê, lôi kéo, kích động người khác tham gia gây án. Sự hạn chế hiểu biết pháp luật cũng là nguyên nhân khiến cho các đối tượng manh động, liều lĩnh khi gây án.

Công an TP. Huế đã chỉ đạo Đội Cảnh sát hình sự tiếp tục cùng với công an các xã, phường tăng cường tuần tra kiểm soát, mật phục, trấn áp tội phạm có xu hướng bạo lực. Công an các đơn vị trong toàn thành phố, nhất là công an cấp cơ sở đẩy mạnh công tác quản lý địa bàn; đưa những thanh thiếu niên có biểu hiện vi phạm hoặc dễ vi phạm pháp luật vào diện quản lý, giáo dục, phòng ngừa.

Gia đình, nhà trường cũng cần vào cuộc mạnh mẽ, tuyên truyền cho học sinh, con em hiểu và chấp hành nghiêm pháp luật để các em hiểu rõ hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý nghiêm.

Bài, ảnh: THÁI SƠN