leftcenterrightdel
 Đoàn thể thao Việt Nam khẳng định vị thế tại SEA Games 32

Đây là lần thứ 3 trong lịch sử các kỳ SEA Games, Đoàn thể thao Việt Nam đứng nhất toàn đoàn, vượt lên trên Indonesia, chủ nhà Campuchia và cả Thái Lan. Hai kỳ SEA Games trước đều diễn ra ở Việt Nam (2003 và 2021). Lần đầu tiên, Việt Nam dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương mà không phải là nước chủ nhà. Đây cũng là lần đầu tiên, thể thao Việt Nam bảo vệ thành công vị trí dẫn đầu ở 2 kỳ SEA Games liên tiếp.

SEA Games 32 ghi nhận những dấu ấn lần đầu tiên của thể thao Việt Nam, từ niềm vui với tấm HCV đầu tiên trong lịch sử của đội tuyển bóng rổ nữ 3x3, đến sự khâm phục của chính các đối thủ sau khi Nguyễn Thị Oanh kiến tạo thành tích lịch sử với 4 tấm HCV ở những nội dung đầy thử thách của môn điền kinh. Hay như tấm HCV cá nhân môn golf của Lê Khánh Hưng, người vẫn đang còn ngồi trên ghế nhà trường. Còn nữa là việc thầy trò Huấn luyện viên Mai Đức Chung lần thứ 4 liên tiếp giành tấm HCV bóng đá nữ, trong bối cảnh lực lượng đội tuyển đang trong quá trình chuyển giao và các tài năng trẻ từng bước khẳng định sự tiến bộ.

Không chỉ có đội bóng nữ lần thứ tư liên tiếp vô địch, SEA Games 32 còn ghi nhận sự nổi trội của những gương mặt nữ. Sáu đô vật nữ tranh tài đều có HCV là một kỳ tích. Bên cạnh chị em Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Nguyễn Thị Mỹ Trang là 4 nhà vô địch Nguyễn Thị Xuân, Lại Diệu Thương, Đặng Thị Linh và Trần Ánh Tuyết. Xuất sắc nhất đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games lần này là 1 gương mặt nữ - Nguyễn Thị Oanh với 4 tấm HCV điền kinh. Khép lại kỳ SEA Games cùng hào quang rực rỡ, các nữ VĐV Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế tại đấu trường khu vực, đóng góp lớn cho thể thao nước nhà. Mỗi tấm HCV giống như tiếng chuông đánh thức sự quan tâm của người hâm mộ dành cho nữ VĐV.  

Đã có những cuộc giã từ, Nguyễn Thị Ánh Viên, VĐV bơi lội đã giành tới 25 tấm HCV qua các kỳ SEA Games, chia tay đường đua xanh. Nguyễn Tiến Minh, từng là cây vợt cầu lông số 5 thế giới, vắng mặt trên sân đấu cầu lông. Hay vì những lý do khác nhau không góp mặt ở SEA Games như lực sĩ cử tạ Phạm Thị Hồng Thanh, võ sĩ pencak silat Trần Đình Nam, tay đấm Boxing Trịnh Thị Kiều Diễm… “Tre già, măng mọc”, vắng Nguyễn Thị Ánh Viên, bơi lội Việt Nam đã kịp thời có truyền nhân. Với việc giành HCĐ nội dung bơi tự do 100m nữ, Nguyễn Thuý Hiền trở thành VĐV trẻ nhất giành huy chương cho bơi lội Việt Nam ngay lần đầu dự SEA Games, khi mới 14 tuổi.

Tổng số huy chương mà thể thao Việt Nam giành được tại đất nước Chùa Tháp không sánh bằng 1 năm về trước tại quê hương, nhưng vị thế dẫn đầu có được vẫn cho thấy chiến lược đầu tư đúng đắn của thể thao Việt Nam. Thể dục aerobic Việt Nam giành huy chương tuyệt đối (5/5 môn thi đấu). Bên cạnh những môn thi đấu chủ lực vẫn được duy trì và phát huy được sức mạnh như bơi lặn, điền kinh, vật… thể thao Việt Nam lần đầu quá lạ lẫm với môn thi độc và lạ do chủ nhà lựa chọn như cờ Ouk Chaktrang (còn được gọi là cờ ốc), hay các môn võ Kun Khmer và Kun Bokator, vẫn nhanh chóng “bội thu” huy chương và đứng trong top dẫn đầu.

Dù còn rất khiêm tốn nhưng thể thao Thừa Thiên Huế cũng rất tự hào khi đã đóng góp 2 tấm HCV và 1 tấm HCĐ vào thành tích dẫn đầu của thể thao Việt Nam tại Campuchia lần này. Vẫn 2 cái tên quen thuộc là Nguyễn Thị Mỹ Hạnh và Nguyễn Thị Mỹ Trang ở môn đấu vật. Họ là 2 chị em cùng tới Campuchia với nhiệm vụ bảo vệ ngôi vô địch đã giành được trước đó ở SEA Games 31. Chỉ trong 1 buổi chiều, cả 2 cùng thi đấu và đã nhanh chóng hạ gục đối thủ để cùng bổ sung vào bộ sưu tập của mình 1 tấm huy chương SEA Games, với Mỹ Hạnh đó là tấm huy chương SEA Games thứ 3 liên tiếp. Tiếc cho Lê Quốc Nhật Nam khi tuyển U22 Việt Nam không vào được chung kết nhưng cũng rất tự hào với tấm HCĐ môn bóng đá nam. 

Bá Trí