leftcenterrightdel
Cô Lê Thị Thanh Thủy trực tiếp đứng lớp khi giáo viên trong trường bận việc 

Cách làm hay

Đúng giờ hẹn, chúng tôi về Trường tiểu học Vinh Hưng 2. Cô Thủy đang lên lớp ở dãy phòng học bên kia. Đón chúng tôi với nụ cười nhẹ nhàng, cô nói: “Đồng nghiệp gọi điện bận việc gấp không thể đến trường kịp nên tôi hỗ trợ. Dù làm quản lý, nhưng tôi rất mê được đứng lớp, được tiếp cận và trao đổi với học sinh. Việc trực tiếp đứng lớp giúp tôi nắm bắt được sức học của học sinh, qua đó kịp thời có giải pháp điều chỉnh”.

Cô mời chúng tôi tham gia trải nghiệm một tiết đọc sách tại thư viện của trường. Thật ấn tượng khi thấy các em học sinh nông thôn rất dạn dĩ, tự tin chia sẻ những câu chuyện đã đọc. Các em trao đổi, hỏi đáp những thắc mắc và cùng nhau đúc kết lại những bài học sau tiết học.

Môn đọc sách được Trường tiểu học Vinh Hưng 2 đưa vào thành môn học chính. Ngoài mỗi tuần có một tiết đọc sách như các trường khác, nhà trường xây dựng thời khóa biểu tăng thêm 2 tiết đọc sách/tháng. Trong tiết đọc sách, học sinh sẽ đứng trước các bạn để chia sẻ về những câu chuyện và giải đáp các câu hỏi mà các bạn đặt ra. Với sự tương tác đó, các em mạnh dạn hơn, không còn rụt rè khi đứng trước đám đông.

Nghề nghiệp chính của người dân Vinh Hưng chủ yếu là nông nghiệp và đánh bắt thủy, hải sản trên đầm Cầu Hai. 5 năm trở lại đây, nghề gia công các mặt hàng may mặc được phát triển ở Vinh Hưng. Nhiều phụ huynh phải làm xuyên buổi trưa, nên mong muốn nhà trường tổ chức bán trú để hỗ trợ cho phụ huynh làm việc thuận lợi hơn.

 Vẫn biết bán trú là cần thiết, nhưng cơ sở vật chất của nhà trường không đảm bảo nên cô Thủy mạnh dạn kêu gọi xã hội hóa từ phụ huynh, các mạnh thường quân xây dựng phòng ăn, phòng bếp với kinh phí hơn 100 triệu đồng. Trường tiểu học Vinh Hưng 2 trở thành trường tiểu học đầu tiên ở khu Ba tổ chức được bán trú. Ngoài ra, cô Thủy tiếp tục vận động xã hội hóa để hơn 200m2 mặt sân lầy lội được đổ bê tông, tạo thêm sân chơi an toàn cho học sinh.

Tất cả vì học sinh

Từng được biết đến là nữ hiệu trưởng trẻ nhất của cả huyện, cô Thủy còn được đồng nghiệp, học sinh thương yêu, phụ huynh tin yêu và cấp trên tin tưởng. Theo cô Lê Thị Thanh Thủy, để phụ huynh cùng chung sức với nhà trường đầu tiên phải xây dựng được lòng tin. Khi đưa ra kế hoạch nào đó cần rõ ràng, mục đích cuối cùng là vì học sinh. Nhờ làm tốt điều đó, mà công tác xã hội hóa của trường những năm qua thực hiện rất hiệu quả. Trung bình mỗi năm nhà trường xã hội hóa hơn 120 triệu đồng để đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục.

Từ những cách làm hay, chất lượng giáo dục của nhà trường ngày càng đi lên, trở thành trường điểm của Phú Lộc. Cơ sở vật chất ngày càng khang trang, tạo ra được môi trường giáo dục tốt. Chính vì vậy, năm học qua, Trường tiểu học Vinh Hưng 2 được nhận cờ thi đua của UBND tỉnh.

Bà Cái Thị Cẩm Hương, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Lộc đánh giá, Hiệu trưởng Trường tiểu học Vinh Hưng 2 - Lê Thị Thanh Thủy là cán bộ quản lý trẻ, năng động, nhiệt huyết, có năng lực quản lý; thương yêu học sinh nghèo, biết chia sẻ khó khăn với đồng nghiệp. Các lĩnh vực đều thực được trường thực hiện hiệu quả, từ huy động làm tốt công tác xã hội hóa, xây dựng thư viện xuất sắc; đưa văn hoá đọc vào nhà trường …

Cô Lê Thị Thanh Thủy chia sẻ, sinh ra và lớn lên tại mảnh đất nhiều khó khăn như ở Vinh Hưng, cô cảm nhận được những nhọc nhằn của phụ huynh học sinh, cũng như chính ba mẹ mình ngày xưa. Vì thế, những việc làm xuất phát từ cái tâm, xem đồng nghiệp như người thân; học sinh như con mình và xem phụ huynh như người nhà... thì sẽ làm được.

B.Trí – Đ.Quang