Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu phát biểu khai mạc Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 11 |
UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Trường Lưu; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương chủ trì hội nghị.
Khai mạc hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu nhấn mạnh, Hội nghị lần này rất có ý nghĩa, quyết nghị nhiều nội dung quan trọng của tỉnh, không chỉ trong nhiệm kỳ này mà cho nhiều năm tới.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị các đại biểu nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, tập trung nghiên cứu, thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, xác đáng để hoàn thiện đồ án, các báo cáo, tờ trình, dự thảo Nghị quyết, Kết luận để Tỉnh ủy xem xét, thông qua.
Sau phần trình bày của UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Phan Xuân Toàn về Tờ trình kiện toàn Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 – 2025 theo các bước và quán triệt Quy định 96-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, hội nghị dành phần lớn thời gian để tiến hành bỏ phiếu giới thiệu nhân sự.
Đó là, bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh Bí thư, Phó Bí thư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy; kiện toàn Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Tiếp đó, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ trình bày tóm tắt Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giữa nhiệm kỳ 2020 – 2025 và tiến hành thảo luận, chỉ ra những kết quả đã đạt được, những tồn tại, hạn chế, giải pháp khắc phục để công tác lãnh, chỉ đạo đạt kết quả cao hơn nữa trong thời gian tới.
Thay mặt Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu phát động chương trình “Chung tay hỗ trợ xóa nhà tạm cho người nghèo tỉnh Thừa Thiên Huế”.
Buổi chiều, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương trình bày báo cáo quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Đến năm 2025, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với 9 đơn vị hành chính gồm: 3 quận, 2 thị xã và 4 huyện. Khu vực nội thành bao gồm 3 quận: TP. Huế chia thành 2 quận (quận phía Bắc, quận phía Nam); thành lập quận Hương Thủy hình thành từ TX. Hương Thủy.
Hệ thống đô thị trực thuộc gồm 2 đô thị loại IV: TX.Phong Điền (dự kiến thành lập) và TX. Hương Trà. Các huyện bao gồm: Quảng Điền, A Lưới, Phú Vang và dự kiến sáp nhập huyện Phú Lộc với huyện Nam Đông.
Định hướng phát triển không gian đô thị Thừa Thiên Huế |
Đến năm 2030, TP. Thừa Thiên Huế trực thuộc Trung ương với 10 đơn vị hành chính gồm 3 quận, 1 thành phố, 2 thị xã và 4 huyện. Cơ bản giữ nguyên các đơn vị hành chính như giai đoạn đến 2025. Nâng cấp đô thị Chân Mây gồm Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô và vùng phụ cận theo tiêu chí đô thị loại III và phấn đấu trở thành thành phố.
Đến năm 2045, giữ nguyên 10 đơn vị hành chính trực thuộc. Tiếp tục đầu tư và phát triển hạ tầng, thu hút dân cư để hình thành TP. Phong Điền, phát triển TX. Hương Trà đáp ứng các tiêu chí cơ bản của quận; tiếp tục đầu tư nâng cấp đô thị Chân Mây.
Tầm nhìn đến năm 2065, ổn định mô hình, hoàn thiện, nâng cao chất lượng đô thị và các khu chức năng. Đô thị trung tâm gồm 4 quận là quận Bắc sông Hương, quận Nam sông Hương, quận Hương Thủy, quận Hương Trà. 2 thành phố là Phong Điền và Chân Mây; các đô thị Quảng Điền và Phú Vang đạt tiêu chí đô thị loại IV; các thị trấn, đô thị loại V thuộc các huyện còn lại.
Đối với định hướng phát triển đô thị Chân Mây – Lăng Cô bao gồm Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô và vùng phụ cận (bao gồm thị trấn Phú Lộc, xã Lộc Trì, Lộc Bình, Giang Hải, Vinh Hiền, Vinh Hưng): quy mô đô thị Chân Mây – Lăng Cô khoảng 447 ha, phấn đấu thành thành phố sau năm 2030 đối với khu vực này...