leftcenterrightdel
Chia sẻ về sản phẩm BHNT mới cho tư vấn viên, thành viên tại văn phòng 

“Thiệt đơn, thiệt kép”

Với bản chất là một sản phẩm nhân văn, BHNT hiện được cung cấp bởi các công ty bảo hiểm (BH) nhằm bảo vệ tài chính cho KH trước các rủi ro liên quan đến sức khoẻ, thân thể và tính mạng nên BHNT được khá nhiều người dân quan tâm và sử dụng. Hiện BHNT có 2 loại hình chính là BHNT truyền thống, đơn thuần với mục đích BH và thứ 2 là BHNT liên kết, kết hợp với các kênh đầu tư có mức độ rủi ro khác nhau như trái phiếu Chính phủ, tiết kiệm hay cổ phiếu.

Năm 2021, chị T.H (TP. Huế) cần vay gói tín dụng đầu tư bất động sản. Chị được nhân viên NH mời mua sản phẩm BHNT Sun Life sẽ thuận tiện trong việc được duyệt vay. Tin lời tư vấn viên mà không tìm hiểu kỹ, chị H. ký HĐ mua gói BH với mức phí 25 triệu đồng/năm. Sau hơn 1 năm đóng phí, gần đây, thấy nhiều vụ “lùm xùm” BHNT, chị H. lấy HĐ ra xem lại thì “không ngờ mình tham gia sản phẩm BH đầu tư”.

“Đem HĐ đi nhờ tư vấn mới thấy bản thân sai lầm khi chọn gói đầu tư thay vì BH truyền thống để được bảo vệ tốt hơn. Cân nhắc tài chính, tôi quyết định dừng HĐ vì hết khả năng đóng tiếp, dù biết khoản phí đã đóng hơn 30 triệu đồng có khả năng mất trắng”, chị H. ngậm ngùi.

Chủ một doanh nghiệp bất động sản cho biết, anh phải mua 5 sản phẩm BHNT khác nhau với giá trị hàng trăm triệu đồng của các NH để được duyệt vay trong giai đoạn bất động sản “đóng băng”, dù không có nhu cầu vì trước đó đã tham gia gói BHNT cho gia đình từ công ty BH. “Hiện, 5 HĐ này tôi bỏ ngang, xem như đó là mức phí để được NH cho vay chống chọi trong khó khăn”, vị này nói.

Theo Cục Quản lý, Giám sát BH của Bộ Tài chính, tại Việt Nam, sau gần 30 năm hình thành và phát triển, thị trường BHNT đến nay đã có 19 doanh nghiệp tham gia, cung cấp hơn 500 sản phẩm BHNT, BH sức khỏe. Hiện, thị trường BH có tốc độ tăng trưởng khoảng 15%/năm, trong đó, giai đoạn 2018-2022, tăng trưởng ở mức khá cao, trung bình khoảng 21%. Đến nay, có hơn 10% dân số tham gia mua BHNT.

Thừa Thiên Huế hiện có hơn 10 doanh nghiệp BHNT đang hoạt động. Theo đánh giá của lãnh đạo một công ty BHNT có tên tuổi tại Huế, so với các tỉnh thành trong cả nước, thị trường BHNT ở Huế còn quá nhỏ, ý thức tham gia BH chủ động của người dân còn rất ít. Nếu làm con số so sánh, lượng KH tham gia BHNT của TP. Đà Nẵng gấp khoảng 5 lần và TP. Cần Thơ gấp 3 - 4 lần so với tỉnh Thừa Thiên Huế.

Minh bạch hóa thị trường

Có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc trong ngành BH, bà Hoàng Thị Mỹ Hằng, Trưởng phòng Kinh doanh Văn phòng Dai-ichi Life Huế thẳng thắn: Lâu nay, ngoài những KH có nhu cầu thực tham gia BHNT sẽ có sự tìm hiểu nhất định về sản phẩm, nhiều KH khác khá chủ quan. Cái dở của nhiều KH là mua theo niềm tin, mua vì tín nhiệm, tin tưởng tư vấn viên (TVV) chứ không tìm hiểu, mua theo nhu cầu.

Hiện, đội ngũ TVV trước khi hành nghề đều được Bộ Tài chính cấp chứng chỉ kinh doanh BH, cấp mã số, công ty BH cấp chứng chỉ về đào tạo sản phẩm và các TVV thường xuyên được tham gia huấn luyện, đào tạo.

“Thực tế, đa số nhân viên tư vấn “né” nói về nhược mà chỉ nhấn mạnh vào cái ưu của HĐ. Điều này, có thể do TVV mới hoặc nhân viên tư vấn bán chuyên (làm nghề tay trái), họ chưa nắm hết các điều khoản, sợ KH bắt bẻ sẽ mất HĐ. Cũng có một số TVV cố tình “tốt khoe, xấu che”, mục đích làm sao để ký được càng nhiều HĐ càng tốt. Vì vậy, khi quyết định tham gia mua sản phẩm BHNT, KH nên chọn tư vấn viên chuyên nghiệp, uy tín cũng như cần nắm những điều khoản cơ bản, tìm hiểu kỹ quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia HĐBH. Nếu không hiểu biết và không chắc chắn, không yên tâm thì không nhất thiết phải tham gia sản phẩm BH liên kết đầu tư”, bà Hằng khuyên.

Ông Trần Cao Vĩnh Ngọc, Phó Giám đốc Chi nhánh ngân hàng SHB Huế cho hay: Hiện chỉ còn NH Phát triển và NH Chính sách xã hội không ký hợp tác với các doanh nghiệp BH, còn hầu hết các NH đều liên kết với công ty BH trong việc phân phối sản phẩm BHNT qua kênh NH.

“Với SHB, việc bán BHNT chỉ là một kênh kinh doanh thêm đem lại doanh thu cho NH nhưng không phải trọng tâm, không áp đặt quyền lợi của NH lên trên quyền lợi của KH nên không xảy ra trường hợp vì lợi ích mà làm sai. SHB Huế cũng không áp chỉ tiêu cho TVV. Nếu TVV vì áp lực doanh số mà không mang lại quyền lợi cho khách thì KH sẽ bỏ NH mà đi. Khi đó thiệt hại của NH còn lớn hơn việc thu lợi từ BH.

Trong quy trình tư vấn, Hội sở cũng bắt buộc phía công ty BH sẽ gọi lại xác nhận chắc chắn 100% KH sẽ tham gia thì mới ký HĐ thành công. Vì vậy, lâu nay, thị trường Huế gần như không có những vụ lùm xùm khiếu nại, khiếu kiện về BHNT”, Phó Giám đốc SHB Huế thông tin.

Lãnh đạo một NH thương mại cho biết, HĐ BHNT đến cả trăm trang, TVV của NH sẽ gói gọn điểm chính trong 5-7 trang về quyền lợi KH được hưởng, đóng bao nhiêu tiền, lợi tức thu lại ra sao, tốn bao nhiêu phí… Những điều khoản này được giải thích cặn kẽ cho KH và hiện nay NH Nhà nước có yêu cầu khi tư vấn khuyến nghị có ghi âm trao đổi giữa KH và TVV, nhằm hạn chế việc TVV “thích gì nói đó” mà phải tư vấn theo đúng quy định của sản phẩm, công ty BH cũng như NH.

Đồng thời, để tăng cường tính minh bạch của thị trường và đảm bảo quyền lợi của người tham gia BH, trong thời gian tới, Bộ Tài chính dự kiến sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về kinh doanh KD; trong đó nghiên cứu, bổ sung các quy định nhằm nâng cao chất lượng của đại lý BH, có các quy định riêng về việc triển khai bán BH qua ngân hàng; tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp BH trong việc giám sát hoạt động tư vấn của đại lý; minh bạch hóa các thông tin về hợp đồng BH.

Bài, ảnh: LIÊN MINH