Rockshow “Chạy lụt” do Khoa Kiến trúc Trường ĐH Khoa học tổ chức |
Theo ông Lê Văn Thanh Hùng, giảng viên Khoa Kiến trúc Trường đại học Khoa học, “Rock là thứ nhạc mà gần như bất kỳ ai bước vào ngành Kiến trúc đều… đam mê”. Đó có lẽ là nguồn cơn khi Khoa Kiến trúc Huế là nơi xuất phát điểm của những “hội nhóm” yêu rock đầu tiên của Huế.
Anh Nguyễn Thái Sơn (sinh 1992), một người yêu rock và tiên phong đến với rock giai đoạn này nhớ lại: “Những người cùng đam mê rock tập trung lại với nhau, chuyền tay nhau từng chiếc đĩa CD và thuộc lòng từng bài hát trong đấy”. Để có một “ban nhạc rock” sinh viên, họ phân công nhau, người học trống, người học guitar, người học bass… Những ban nhạc đầu tiên này quy mô nhỏ, thành lập để thỏa mãn đam mê. Họ được chơi nhạc giữa hàng ngàn người, thích thú khi nghe hô vang tên mình một cách sôi động cháy bỏng.
Sau một thời gian “làm mưa làm gió”, Rock Storm kết thúc, văn hoá rock của Huế cũng dần chìm xuống. Những band cũ trải qua quãng thời gian đam mê thì dừng lại tập trung cho công việc, những band mới chọn chơi nhiều thể loại khác nhau, không còn thuần rock nữa. Ông Thanh Hùng nhận xét: “Bây giờ giới trẻ tài năng, có điều kiện hơn ngày trước rất nhiều, nhưng lại không có được cái nền vững chắc bởi sự pha tạp của quá nhiều thể loại nhạc.”
Rockband Brainwave tại sự kiện Rock in Hue |
Khi mạng xã hội phát triển, mọi người có thể dễ dàng tiếp cận với loại âm nhạc yêu thích, nhu cầu tụ họp để cùng nghe nhạc hay trực tiếp tham gia những buổi biểu diễn âm nhạc ít đi. Điều này đi ngược với văn hoá rock, thứ nhạc “tụ tập” trong náo nhiệt. Ông Thanh Hùng chia sẻ, khi nghe rock phải nghe với số đông, và phải tham dự những buổi diễn trực tiếp mới thấy được tinh thần của rock.
Trong một show nhạc rock, khi không khí âm nhạc lên cao, khán giả đứng dưới dù không quen biết vẫn có thể cùng nhau hát, cùng nhau nhún nhảy. Đặc trưng của thứ âm nhạc đầy phóng khoáng, hoang dã, tự do, đem lại sự bùng nổ, nhiệt huyết và lan toả đến mọi người. Trên sân khấu, người nghệ sĩ như một nhạc trưởng, và khán giả hòa thành một ban nhạc… Đây chính là sự kết nối của rock.
Những năm gần đây, nhạc rock đang dần trở lại. Theo anh Thái Sơn, đây là điều hiển nhiên, quy luật “phong trào lắng xuống, phong trào lại lên” khi người yêu rock vẫn còn đó. Một số người sau khi có được thành công nhất định, họ trở lại đầu tư cho rock, để có thể sống lại với đam mê của thời tuổi trẻ.
Rock show “Comeback Cố đô” chính là bước đầu tiên đánh dấu việc rock chính thức trở lại Huế. Hai “chủ nhà” Napalm và Cochinchine, ban nhạc Cá Hồi Hoang, band Brainwave Á quân chương trình Rock Việt và huyền thoại Bức Tường đã khiến hàng ngàn khán giả Huế bùng cháy. Sau đó, những đêm nhạc rock bắt đầu xuất hiện thường xuyên hơn. Thỉnh thoảng, cũng có những buổi biểu diễn với sự đầu tư chỉn chu, như Rock in Hue tại bar Queen hay Rock show “Chạy lụt” của Khoa Kiến trúc, Trường ĐH Khoa học Huế. Tất cả những buổi biểu diễn ấy, khán giả luôn cháy hết mình.
Để hoàn toàn gia nhập vào Huế, dòng âm nhạc này vẫn còn một con đường dài để đi. Những nhánh mạnh mẽ, dữ dội hơn như “metal rock”, “hard rock” được nhiều người đam mê nhưng để biểu diễn tại Huế vẫn rất khó khăn. Gần đây nhất, band District 105, Bạo, Taiyoken,… những đại diện của thể loại âm nhạc “nặng ký” đến từ Sài thành, chọn Huế là một trong những điểm dừng chân trên con đường chinh phục Việt Nam. Thế nhưng những “nhà đầu tư” ở Huế vẫn còn đang lưỡng lự. Anh Huỳnh Hoàng Huy (Founder của District 105) cho biết: “Mình ra Huế một lần, những người yêu rock ở đây đông vui lắm, nên mới chọn nơi đây là điểm dừng của tour diễn. Thế nhưng, họ vẫn còn chút ái ngại, sự không chắc chắn này khiến anh em trong nhóm cũng hơi… nản”.
Rock đang quay lại Cố đô là điều mà những người đam mê rock đều cảm nhận...
Tháng 5, tại Huế có một sự kiện âm nhạc của rock, đó là “Rock de Hue”, sự kiện được chuẩn bị một cách chỉn chu với những ban nhạc nổi tiếng của Cố đô, như: Napalm, Cochinchine, Free Birds.