Ảnh minh họa. (Ảnh: Vietnam+) |
Ngày 19/5, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô tháng Năm cho thấy triển vọng thắt chặt hơn nữa các điều kiện tài chính toàn cầu đòi hỏi việc quản lý ngoại hối phải linh hoạt để thích ứng với các điều kiện bên ngoài.
Công nghiệp cải thiện nhẹ nhưng vẫn yếu
Theo báo cáo của WB, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng nhẹ 0,5% (so với cùng kỳ) trong tháng Tư, cải thiện so với mức giảm 2,0% (so với cùng kỳ) trong tháng Ba. Sản xuất dệt may, giày dép và sản phẩm da, điện tử, máy tính, điện thoại di động (bao gồm cả linh kiện), phương tiện có động cơ và thiết bị vận tải tiếp tục giảm trong tháng Tư cũng như trong 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2022, thể hiện sự suy yếu hơn xuất khẩu dự kiến.
Sản xuất công nghiệp hàng tiêu dùng trong nước, bao gồm thực phẩm và đồ uống cũng như xăng dầu, tiếp tục mở rộng, phần nào phản ánh sự tăng trưởng của nhu cầu nội địa trong tháng Tư.
Chỉ số PMI của Việt Nam đã giảm xuống 46,7 vào tháng Tư từ mức 47,7 vào tháng Ba, cho thấy các điều kiện kinh doanh dự kiến tiếp tục chưa cải thiện trong thời gian tới.
Cũng theo WB, doanh số bán lẻ ghi nhận tốc độ tăng trưởng 11,5% (so với cùng kỳ) trong tháng Tư, ngang bằng so với tháng Ba. Trong khi đó, doanh số bán dịch vụ tiếp tục ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh 19,2% (so cùng kỳ năm trước), phần lớn được thúc đẩy bởi sự mở rộng của các dịch vụ du lịch (86% so với cùng kỳ) và dịch vụ lưu trú và nhà hàng (21,1% so với cùng kỳ).
Việt Nam đón khoảng 1 triệu du khách quốc tế trong tháng Tư, tăng 10% so với tháng trước. Lượng khách quốc tế 4 tháng đầu năm 2023 đạt 3,7 triệu lượt nhưng vẫn thấp hơn 40% so với trước dịch (2019).
Tuy nhiên, báo cáo của WB cho thấy xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa giảm lần lượt là 17,1% và 20,5% so với cùng kỳ. Sự sụt giảm trong xuất khẩu được chủ yếu xuất phát từ sự suy giảm giảm đáng kể trong xuất khẩu các mặt hàng chủ chốt trong tháng Tư, bao gồm điện thoại thông minh (-31%), dệt may (-24%), máy móc (-14%), giày dép (-10%) và máy tính (-8%).
Phản ánh sự sụt giảm trong xuất khẩu, nhập khẩu nguyên liệu đầu vào sản xuất (chiếm khoảng 94% tổng kim ngạch nhập khẩu) đã giảm mạnh trong tháng Tư so với một năm trước đó, bao gồm điện thoại thông minh (-64,4%), thiết bị điện tử và linh kiện máy tính (-19,6%), máy móc (-15,3%). Điều này phản ánh sự suy yếu nhu cầu của nền kinh tế Mỹ và EU, hai thị trường mà xuất khẩu giảm tương ứng 22,1% và 14,1% (so với cùng kỳ) trong 4 tháng đầu năm 2023.
Lạm phát giảm nhẹ, đầu tư công tăng
Chuyên gia WB cũng cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm từ 3,4% trong tháng Ba xuống 2,8% trong tháng Tư. Lương thực và thực phẩm, cũng như nhà ở và vật liệu xây dựng là những nhân tố chính gây ra lạm phát CPI, tăng tương ứng 3,6% và 5,2% trong tháng Tư.
Lạm phát cơ bản, không bao gồm lương thực, năng lượng và các mặt hàng bị kiểm soát giá (dịch vụ giáo dục và y tế) điều chỉnh giảm từ 4,9% trong tháng Ba xuống 4,6% trong tháng Tư, vẫn cao hơn mục tiêu chính sách 4% do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định. Trong khi lạm phát tiếp tục có xu hướng giảm trong tháng Tư, việc tăng giá điện 3% gần đây và kế hoạch tăng lương khu vực công có thể tác động đến lạm phát trong nửa cuối năm.
Cũng theo WB, giải ngân vốn đầu tư công tháng Tư đã tăng 16,4% (so cùng kỳ năm trước), lũy kế giải ngân 4 tháng đầu năm đạt 19% kế hoạch đầu tư công năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao (707.400 tỷ đồng).
Đến cuối tháng Tư, Chính phủ đã phát hành khoảng 140.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, chiếm 21,7% tổng kế hoạch vay năm 2023. Khoảng 90% trái phiếu phát hành có kỳ hạn dài (10-15 năm).
Cũng trong tháng Tư, cam kết FDI đạt 3,4 tỷ USD, tăng 46% so với tháng trước. Tuy nhiên, vốn FDI cam kết lũy kế 4 tháng đầu năm chỉ đạt 8,8 tỷ USD, thấp hơn 17,9% so với cùng kỳ năm 2022. Vốn FDI giải ngân trong tháng 4/2023 đạt 1,5 tỷ USD, tương đương một năm trước đó. Trong khi đó, vốn FDI giải ngân lũy kế từ tháng 1 đến tháng 4 đạt 5,8 tỷ USD, tương đương với cùng kỳ năm 2022. Cam kết và giải ngân vốn FDI chững lại trong 4 tháng đầu năm có thể phản ánh sự thận trọng của nhà đầu tư do những bất ổn toàn cầu gây ra.
“Nền kinh tế đang phải đối mặt với những cơn gió ngược bên ngoài khi nhu cầu bên ngoài suy yếu tiếp tục tạo áp lực giảm xuất khẩu, dẫn đến sản xuất công nghiệp suy yếu. Mặc dù tiêu dùng trong nước vẫn mạnh nhưng tăng trưởng tín dụng chậm lại, phản ánh nhu cầu tín dụng yếu. Triển vọng thắt chặt hơn nữa các điều kiện tài chính toàn cầu đòi hỏi việc quản lý ngoại hối phải linh hoạt để thích ứng với các điều kiện bên ngoài. Đẩy nhanh giải ngân đầu tư công có thể hỗ trợ tổng cầu và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn đồng thời đảm bảo đầu tư vào nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng xanh và có khả năng phục hồi để giúp thúc đẩy phát triển kinh tế trong dài hạn,” chuyên gia WB lưu ý.