Bức tranh tường thứ sáu tại cung An Định |
Từng có nhiều giả thiết
Cung An Định được vua Khải Định cho xây dựng vào năm 1917, tọa lạc bên bờ sông An Cựu. Ngoài kiến trúc được xem là một đại diện tiêu biểu của phong cách kiến trúc Việt Nam trong giai đoạn tân - cổ điển, phần nội thất cũng được trang trí rất công phu, đặc biệt là các bức bích họa có giá trị nghệ thuật cao.
Sau nhiều năm bị hư hại nặng nề, từ năm 2002, ông Thomas Ulbrich, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trao đổi Văn hóa Leiniz - CHLB Đức và là tình nguyện viên làm việc tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, đã thúc đẩy thực hiện dự án bảo tồn, phục hồi sáu bức tranh nằm trong sảnh chính lầu Khải Tường. Qua hơn 5 năm bảo tồn và trùng tu, những bức bích họa này được phục hồi theo phương pháp phục hồi hoàn nguyên, đã hiện lên sắc nét, sinh động.
Bộ tranh có 6 bức, nhìn hình vẽ có thể nhận ra phối cảnh thật của năm lăng vua: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh. Với bức tranh thứ sáu chưa rõ vẽ công trình nào, các nhà nghiên cứu từng tốn nhiều công sức tìm lời giải.
Góc chụp lăng vua Kiến Phúc trùng với phong cảnh trong tranh |
Trong bài viết “Bí ẩn những bức tranh tường cổ ở cung An Định” của nhà báo Ngô Minh đăng trên Tuổi trẻ cuối tuần năm 2003, TS. Trần Đức Anh Sơn cho rằng, có thể bức tranh đó là vẽ lăng Khải Định khi đang ở dạng phác thảo trên bản vẽ. Như thế mới đúng trật tự tôn ti, thứ tự các lăng vua. Vì lúc khánh thành cung An Định, vua Khải Định 33 tuổi, đã bắt đầu cho thiết kế lăng...
KTS. Phùng Phu, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế lại cho rằng, vì cung An Định do vua Khải Định xây dựng khi mới lên ngôi, lúc đó ông chưa xây lăng nên không phải vẽ phong cảnh lăng Khải Định, mà có thể vẽ một phủ đệ nào đó đặc biệt với triều đình và bản thân nhà vua.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cũng từng cho rằng, bức tranh thứ sáu chính là khu tẩm điện trong lăng vua Đồng Khánh...
Lời giải từ chàng trai trẻ
Nguyễn Tấn Anh Phong, một chàng trai đam mê nhiếp ảnh rất thích chụp và nghiên cứu kiến trúc triều Nguyễn từ những tư liệu xưa, thích tìm hiểu những bí ẩn chưa có lời giải. Nhiều năm nay, Phong dành thời gian và công sức tìm ảnh tư liệu xưa rồi chụp ảnh các công trình di tích đó hiện nay, để đối chiếu hiện trạng với tư liệu gốc.
Từ cảm hứng chụp ghép ảnh xưa và nay, Phong đi tìm địa điểm vẽ bức tranh thứ sáu ở cung An định. Anh không đồng ý với những đáp án trên và tự đi tìm lời giải. Nguyễn Tấn Anh Phong nhớ lại: “Khi chụp lại bức tranh số sáu ở cung An Định, người ta chú thích đó là lăng vua Đồng Khánh. Suy luận của tôi chắc chắn, trong sáu bức họa không thể có hai bức đều vẽ lăng vua Đồng Khánh. Đó phải là lăng của một vị vua khác. Tôi tìm tòi từ ảnh tư liệu rồi chụp ảnh đối chiếu với thực tế nhiều công trình nhưng đều không phải. Quá trình này mất hơn một năm”.
Trong chuyến thăm và làm việc của Viện Viễn Đông Bác Cổ tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, họ tặng một số ảnh tư liệu cho trung tâm, trong đó có Di Khiêm Lâu, một công trình thuộc Khiêm Lăng của vua Tự Đức đã bị sụp đổ. Bồi Lăng (tức lăng vua Kiến Phúc) cũng nằm trong khuôn viên Khiêm Lăng và nằm sát cạnh Di Khiêm Lâu.
Khi đi chụp ảnh Di Khiêm Lâu (bây giờ chỉ còn nền đế) và Bồi Lăng để đối chiếu với ảnh tư liệu, Phong phát hiện những điểm tương đồng giữa Bồi Lăng và bức tranh thứ sáu. Ngôi nhà bên trái là Chấp Khiêm Điện (ngôi điện thờ vua Kiến Phúc), ngôi nhà ở giữa là Di Khiêm Lâu. Bên phải là cổng vào lăng mộ vua Kiến Phúc.
“Phân tích bức ảnh tư liệu mới đây bằng kỹ thuật số, tôi lấy nóc của Di Khiêm Lâu trong ảnh tư liệu ghép lên bức ảnh chụp góc lăng vua Kiến Phúc thấy chính xác hoàn toàn từng chi tiết. Tôi khẳng định đó là bức tranh vẽ lăng vua Kiến Phúc. Hơn nữa, theo suy luận của tôi, dù đến thời vua Khải Định tuy đã có 12 vị hoàng đế, nhưng trong giai đoạn vẽ tranh thì chỉ vẽ những hoàng lăng đã xác định rõ là chính thống”, Phong khẳng định.
Cũng theo Anh Phong, các nhà nghiên cứu dù đã đặt ra nghi vấn bức tranh thứ sáu vẽ lăng vua Kiến Phúc, nhưng họ bị mất phương hướng do Di Khiêm Lâu trong tranh ở hiện trạng đã mất.
Nói đơn giản vậy, nhưng để phân tích ra kết quả này là một sự kỳ công với những ứng dụng của công nghệ và kỹ thuật số. Phong cho biết: “Khi đứng trong không gian Bồi Lăng, ở góc thấp thì không thể hình dung được sự tương đồng giữa bức tranh và bối cảnh thực tế. Nhưng khi tôi dùng flycam chụp sẽ nhìn thấy những chi tiết tương đồng. Góc chụp ảnh thực tế ráp vào bức tranh trùng khớp hoàn toàn”.
Khi được gửi tư liệu để nhờ thẩm định, TS. Trần Đức Anh Sơn cũng đồng tình với ý kiến của Phong về bức tranh thứ 6 trong cung An Định đúng là vẽ phong cảnh lăng vua Kiến Phúc. Khi chắc chắn, Nguyễn Tấn Anh Phong đã đưa những căn cứ khoa học này cho Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, đơn vị quản lý cung An Định. Sau khi phân tích, kiểm chứng, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đã đổi lại chú thích của bức tranh thứ sáu là “Lăng hoàng đế Kiến Phúc”.