leftcenterrightdel
 

Chợ Thông. Cái tên đã gợi lên một số ý kiến khác nhau về nguồn gốc. Nói Thông là cây thông thì địa phương này không thôn xóm hay gò đồi nào trồng thông, dù nhiều hay ít. Cũng có người bảo đây là đoạn thông nhau giữa hai khúc sông đào (vào những năm đầu của thời vua Gia Long, sông Bạch Yến được đào thông với một nhánh phía trên). Các cụ già ở Hương An cho biết, khi chưa đào thông sông thì nhánh sông chảy qua An Vân còn gọi là sông Cùng. Bến sông này gọi là bến Cùng và chợ Thông lúc đó được người vùng này gọi là chợ Cùng. Xem vậy thì cách giải thích này nghe có vẻ hợp lý hơn. Qua khỏi chợ một đoạn ngắn có cây cầu Chợ Thông dẫn ra cánh đồng làng. Từ đây nhìn về Rú Vi thấy rõ ngôi chùa Phước Duyên trong bóng mây, bóng núi trập trùng. Cụm dân cư ở bên này chỉ qua cầu mấy bước chân là đến chợ.

Với vị trí thuận lợi, ít nhiều gì đây cũng được xem như là điểm giao thương giữa các vùng quê lân cận: An Hòa, Nham Biều, Lựu Bảo, An Vân, Bồn Phố... Vì vậy, ngoài những mặt hàng công nghệ, hầu hết thực phẩm được đưa đến bán đều được nuôi trồng và đánh bắt từ ruộng vườn sông hói những làng quê quanh quất (sau này mở rộng hơn do một số mặt hàng buôn từ chợ đầu mối về). Các thực phẩm được chế biến thủ công như đậu khuôn, bún tươi, bánh tráng, bánh ướt... đều do các hộ dân trong làng sản xuất. Những bà mệ, bà cố chắt chiu từng đám rau sạch gom trong vườn sau buổi nhặt nhạnh đầu buổi sớm tinh mơ. Những rổ rá đựng lưng mớ nghệ, gừng, hành, tỏi... nhỏ nhoi nhưng cũng đủ làm tươi nụ cười hiền trên khuôn mặt mẹ già đã cày sâu vết hằn năm tháng. “Cải tốt là nhờ có mùa sương, chơ có phân phiếc chi mô o ơi! Mệ bán không hết thì đem về cả nhà mệ cũng ăn vô đó luôn!”. Nụ cười hiền đậu xuống bàn tay nhăn nheo nhiều đường gân nhọc nhằn, tỉ mẩn trên mớ hàng ít ỏi.

Chợ họp không sớm và vãn cũng không muộn, bởi nhu cầu mua bán chợ làng chỉ đơn giản và tùng tiệm. Cái đơn giản ấy không chỉ gắn bó trong đời sống thường nhật với người làng, mà còn có sức thu hút dài lâu đối với nhiều người ở xa đã từng đến chợ một lần, thể nào cũng tìm cách trở lại nhiều lần.

Điều đặc biệt khiến khách xa đến đây không khỏi thắc mắc. Chợ nhỏ chỉ chừng đó thôi mà hàng quà hàng ăn thì lại khá phong phú. Trước chợ, ngay sát đường bày kín những rổ bắp, khoai sắn, môn nưa, và cả chuối mật cui, được nấu chín bên cạnh mít, thơm, dừa, đậu phộng... Mỗi dạo vào mùa, đã vẽ nên những sắc màu dân dã gây thương nhớ cho những người đi xa. Dù đã phân lô hàng, nhưng vẫn có những “phá cách” rất tự nhiên. Một hàng bán các món ăn sáng lại “chạy” ra phía trước cổng chợ kèm thêm một mặt hàng không liên quan gì là... nón, loại nón ba lớp dày dặn cho người làm đồng hoặc chạy chợ với vành nón bằng nhựa, phù hợp với bà con lao động ở làng. Các hàng ăn trong chợ chiếm suốt một dãy dài mời gọi trước mắt người đi chợ: bún mắm nêm, bún nghệ, xôi, cháo, các loại bánh bèo, nậm, lọc, rồi thì các loại chè, đậu hũ...

Còn gì thú vị bằng được bắt đầu buổi chợ với cái dạ dày ấm áp và mặt mày tươi tắn cho cả người bán và người mua. Nhất là các món ăn sáng nặng nhẹ đủ kiểu phục vụ thị hiếu ẩm thực đều chỉ có giá rất dễ chịu. Chỉ trên dưới mười nghìn là có thể thưởng thức hương vị quà sáng ở chợ làng. Không chỉ hàng ăn vặt, mà mọi thứ nơi đây từ rau củ đến thịt cá, hay bất cứ thức cần dùng nào, mua ít mua nhiều gì cũng được chào đón xởi lởi. Chỉ chừng đó thôi, những nét riêng của chợ Thông đã khéo làm quyến luyến những bước chân ai đã từng một lần đến với ngôi chợ bên sông này...

Nguyễn Thị Duyên Sanh